Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi cây Trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium L.), họ Náng (Amaryllidaceae), được sử dụng làm thuốc trị các bệnh u xơ tử cung và phì đại lành tính tuyến tiền liệt thì người ta luôn nghĩ rằng đó chỉ là một loài thuần nhất và công dụng của nó dù lấy ở đâu thì cũng đều như nhau. Cho đến nay, nhiều công ty Đông dược, thầy thuốc Y học cổ truyền và những người bệnh đang tự sử dụng cây này làm thuốc cũng đều nghĩ như vậy. Nhưng thực tế lại không phải như vậy! TS. NTN. Trâm và cộng sự qua nghiên cứu các mẫu cây Trinh nữ hoàng cung thu thập ở Việt Nam đã phát hiện có một mẫu đặc biệt chứa nhiều hợp chất hóa học và tác dụng sinh học khác với những mẫu còn lại được gọi là Trinh nữ hoàng cung (không kể những mẫu bị lấy nhầm với các loài “náng” khác). Mẫu cây này đã được chọn lọc để nghiên cứu trồng trọt, hóa học, tác dụng sinh học và phát triển trên quy mô lớn để lấy nguyên liệu sản xuất thuốc CRILA của Cty TNHH Thiên Dược.
Về mặt phân loại, kết hợp các đặc điểm thực vật học và thành phần hóa học cho thấy mẫu cây đã được chọn lọc nói trên là một ‘Thứ’ mới (new variety) của loài Trinh nữ hoàng cung ở Việt Nam. Nó được đặt tên là ‘Trinh nữ crila’ (Crinum latifolium L. var. crilae Tram & Khanh). Đây là một đóng góp mới cho khoa học, đã được công bố trong Tạp chí Sinh học của Viện KH&CN Việt Nam, tập 34, số 2, tr. 190-193, 6/2012. Cây Trinh nữ crila có đặc điểm thực vật như sau:
Cây thảo sống nhiều năm, cao khoảng 30-40 cm, có thân hành gần hình cầu, đường kính 9-12cm. Thân giả ngắn do các bẹ lá ôm sát nhau tạo thành. Lá mọc toả quanh gốc, hình dải mỏng, dài 40-50(-90)cm, rộng 4-6(-10)cm, mép lá nguyên, lượn sóng, hai mặt gốc phiến lá không màu, có bẹ. Trục cụm hoa đậm dài 40-50cm, mặt cắt có hình bầu dục, kích thước 1×1,5cm, tận cùng mang 6-8 hoa gần như không cuống, trông như một tán giả, bên ngoài có tổng bao lá bắc gồm 2 phiến mỏng hình tam giác, dài khoảng 5-7cm, đáy rộng khoảng 2,5-3cm. Nụ hoa sắp nở có hình thoi, đầu nhọn, dài 10-11cm, rộng 3,5cm. Hoa mẫu 3. Bao hoa hình phễu: phần dưới dính liền thành ống hơi cong, màu lục nhạt, dài 7-8cm, đường kính 5-6mm; phần trên là các thuỳ của đài và tràng rời nhau. Khi hoa nở, chỉ có phần trên loe rộng thành hình phễu, các thuỳ của lá đài và cánh hoa tách ra và uốn cong ra phía ngoài. Ba lá đài ở vòng ngoài rộng 2,5-2,7cm, mặt ngoài có vệt màu đỏ tía nhạt chạy dọc ở giữa. Ba cánh hoa xếp xen kẽ ở vòng trong rộng 2,5-2,7cm, mặt ngoài cũng có vệt đỏ tía nhạt chạy dọc, rộng bằng 1/3 chiều rộng cánh hoa. Sáu nhị đính ở họng của bao hoa; chỉ nhị mảnh và cong, dài 7-8cm; bao phấn dài 1-2cm, đính lưng. Bầu dưới, hình trụ đến hình trứng ngược, dài 10-15mm, rộng 7-8mm; vòi nhuỵ rất mảnh như sợi chỉ, dài 19-20cm, phần trên có màu đỏ tía, núm nhuỵ nhỏ. Quả gần hình cầu. Mùa hoa: tháng 6-8.
Bảng dưới đây cho thấy sự khác nhau giữa cây Trinh nữ crila với cây Trinh nữ hoàng cung:
Về thành phần hóa học của hai cây này cũng khác nhau. Theo NTN. Trâm và cs., ngoài những alcaloid chính có trong cây Trinh nữ hoàng cung như ambellin, lycorin, pratorin (hippadin), crinamidin, powellin, 1,2–epoxyambellin, các hợp chất glucan A, B…, cây Trinh nữ crila còn có thêm những alcaloid sau: 9-octadecenamidb, dihydro-oxo-demethoxyhaemanthamin, augustamin, oxoassoanin, crinan-3-ol, buphanidrin, undulatin, 6-hydroxyundulatin, 6-hydroxybuphanidrin, 6-hydroxypowellin, kaempferol, 4’-hydroxyl-7-methoxyflavan, β-sitosterol và stigmasterol. Những hoạt chất này làm cho cây Trinh nữ crila có hiệu quả chữa bệnh khác với cây Trinh nữ hoàng cung mọc phổ biến ở Việt Nam.
Tóm lại, trong quần thể những cây gọi là Trinh nữ hoàng cung không đồng nhất. Trong đó đã xác định được một ‘Thứ’ mới, đó là ‘Trinh nữ crila’ có thành phần hóa học và tác dụng chữa bệnh khác với các cây Trinh nữ hoàng cung khác. Do đó, việc tìm kiếm và tự sử dụng cây Trinh nữ hoàng cung làm thuốc cần chú ý tính chính xác để đảm bảo hiệu quả chữa bệnh của nó.
TSKH. Trần Công Khánh