Tiến sĩ Trâm và cuộc “ trường chinh” không ngơi nghỉ. Tham dự hội nghị bàn về phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp ( DN), tôi “kết” Ts. Trâm bởi câu nói: “ Người Việt Nam mình cũng thông minh lắm chứ, có thua kém gì người Do Thái đâu”. Dù biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng ẩn chứa đằng sau câu nói ấy là một tư duy đổi mới, một nghị lực phi thường của nhà khoa học dám dấn thân, biến cái tưởng chừng như không thể thành có thể.
Làm khoa học từ tuổi đôi mươi
Gọi Ts. Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Dược ( Tân Uyên), là nhà khoa học có lẽ đúng hơn là nhà Doanh nhân, bởi hầu hết quãng đời mà Ts.Trâm đi qua đều dành cho nghiên cứu khoa học. Khi mới vừa 24 tuổi, Ts. Trâm đã được giới khoa học biết đến với công trình đầu tay “ Chiết xuất tinh dầu từ cây húng chanh” để điều chế thuốc ho cho trẻ em. Thời gian sau đó là những chuỗi ngày nỗ lực nghiên cứu làm luận án TS ở Bulgaria và trở thành cộng tác viên của Viện Hàn Lâm khoa học Bulgaria. Trở về nước, với niềm đam mê khoa học và những định hướng, ước nguyện của người cha, Ts. Trâm lại để dành thời gian để nghiên cứu các loại thảo dược Việt Nam. Bắt đầu từ những năm 90, trong hành trình tìm kiếm những dược liệu từ thiên nhiên để điều trị các bệnh về khối u, Ts. Trâm đã bắt gặp một loài thảo dược mang tên Trinh nữ hoàng cung. Như duyên trời đã định, gần 20 năm trôi qua, Ts.Trâm đã say mê và dành hết thời gian để nghiên cứu về công dụng của cây Trinh nữ hoàng cung.
Bắt đầu từ những năm 90 nhưng phải đến tận năm 2005, vượt qua biết bao sóng gió gian nan, “ đứa con tinh thần” của Ts.Trâm mới được ra đời, đền đáp lại những công lao to lớn mà bà đã cưu mang. Đó chính là viên nang Crila được bào chế từ Trinh nữ hoàng cung chính thức được Bộ Y Tế cho phép lưu hành với số đăng ký là VNB-3391-05. Thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng, viên nang Crila đã chứng minh hiệu quả điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt đạt 89,18% và điều trị u xơ tử cung đạt 79,5%. Một kết quả đem lại niềm tin cho rất nhiều bệnh nhân đang điều trị các loại bệnh nói trên khi vừa giảm được giá thành so với thuốc ngoại, vừa có thể tránh được đau đớn khi không phải phẫu thuật khối u.
Niềm tự hào
Quãng đời nghiên cứu công dụng của loài cây Trinh nữ hoàng cung từ khi khởi động đến ngày thành công trải qua vô vàn “chướng ngại vật”. Đó là những tài liệu nghiên cứu về Trinh nữ hoàng cung hầu như chưa có, chỉ là những bài thuốc theo kiểu truyền miệng dân gian, rồi nguồn tài chính thiếu hụt và những nghi ngờ của giới chuyên môn về công dụng của loài cây này…Tất cả những điều đó cộng lại trở thành “ chướng ngại” lớn tưởng chừng không thể vượt qua. Tuy nhiên, Ts.Trâm cùng các cộng sự đã vượt qua nhờ vào ý chí, nghị lực và trí tuệ. Thành quả của gian nan đã nâng tầm cho vinh quang! Công trình nghiên cứu về công dụng của cây Trinh nữ hoàng cung được hội đồng khoa học đánh giá cao, có tính thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế và đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ.
Không chỉ dành được danh hiệu trong nước, công trình này của Ts. Trâm còn dành được những giải thưởng quốc tế, như : Giải Kovalevskaia vào năm 2007 – giải thưởng mang tên nhà nữ toán học gốc Nga dành tặng cho những nữ khoa học gia xuất sắc trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống; Quỹ giải thưởng do vợ chồng người Mỹ đóng góp thành lập năm 1985. Năm 2010, kênh truyền hình Healling Quest nổi tiếng của Mỹ cũng đã làm một chương trình truyền hình về Ts.Trâm cùng công trình nghiên cứu sản phẩm Crila từ Trinh nữ hoàng cung, sau đó phát sóng trên khắp các nước Mỹ, Anh, Canada, Australia, NewZealand và Nam Phi… gây được chú ý của giới khoa học và khan giả trên khắp thế giới.
Không có khoa học, không thể đột phá
Lần đầu tiên, một chế phẩm có nguồn gốc thảo dược từ Việt Nam được thị trường Mỹ chấp nhận và đánh giá cao. Điều đó cũng cho thấy, câu nói của Ts.Trâm: “ Người Việt Nam mình cũng thông minh lắm chứ, có thua kém gì người Do Thái đâu” là hoàn toàn có cơ sở, chứ không chỉ ví von.
Nói về việc chinh phục thị trường quốc tế, Ts.Trâm cho biết sản phẩm của bà hiện đã xuất khẩu sang Mỹ, một thị trường cực kỳ khó tính. Điều đó cho thấy sản phẩm đã cạnh tranh được ở Mỹ thì các thị trường khác là không khó. Để có được thành công ấy, Ts.Trâm khẳng định: “ Nếu không có khoa học, công nghệ thì không thể đổi mới, không thể tạo ra được những sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Trong hàng ngàn cây thảo dược ở Việt Nam, để chọn được cây thảo dược có công dụng chữa các bệnh khối u dù lành tính hay ác tính đều không phải là dễ. Doanh nghiệp chúng tôi đã tự tạo vốn từ kết quả nghiên cứu khoa học để xây dựng được cơ ngơi như hôm nay. Đầu tiên là sản phẩm dưới dạng trà, sau đó đến xây dựng nhà máy chế biến viên nang”.
Mặc dù đã thành công với nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhưng Ts.Trâm vẫn không ngừng nghiên cứu để tiếp tục thực hiện dự án trọng điểm cấp Nhà nước về “ Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang cứng Crila Forte đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”. Bên cạnh đó, công ty Thiên Dược của bà còn hợp tác với Bulgaria để nghiên cứu khả năng kích thích hệ miễn dịch chống ung thư được chiết xuất từ cây Trinh nữ hoàng cung.
Tuy đã ở vào cái tuổi lục ngoại tuần, nhưng trong những ngày nắng nóng đầu tháng 4 này, Ts.Trâm vẫn trực tiếp “ đội nắng” băng đồng kiểm tra vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO rộng khoảng 20ha tại Long Thành, Đồng Nai. Chia sẻ với chúng tôi về cách tạo nguồn nguyên liệu, bà nói : “ Để có nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, phải nghiên cứu từ thổ nhưỡng, mùa vụ thu hoạch và cả cách thu hoạch. Nếu không nghiên cứu kỹ các yếu tố nói trên thì nguồn nguyên liệu thu về sẽ không đạt chất lượng như mong muốn. Nếu làm khoa học mà nản lòng thì sẽ khó thành công”.