Sau loạt bài về tình hình sử dụng các sản phẩm từ cây Trinh nữ hoàng cung, chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc muốn được hướng dẫn để nhận dạng cây Trinh nữ hoàng cung làm thuốc.
Tiến sĩ – Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm, giám đốc Công ty TNHH Thiên Dược (người nhiều năm nghiên cứu loại cây này) cho biết: Trinh nữ Hoàng cung (TNHC) tên khoa học là Crinum Latifolium L., vốn là cây hoang dại, thường gặp tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế và một số tỉnh ở Miền Nam của Việt Nam. Ở Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc cũng có những cây Náng giống cây TNHC ở Việt Nam có tên khoa học là Crinum Latifolium L. nhưng không có các hoạt chất có hoạt tính sinh học chữa bệnh u xơ tử cung, u xơ tuyến tiền liệt.
Trinh Nữ Hoàng Cung tại Việt Nam có đặc tính chữa bệnh là một loại cây thân thảo, gần giống cây náng hoa trắng. Cây có hình thái: thân hành như củ hành tây, lá mỏng màu xanh nhạt hơi vàng, đường kính lá dài 80-100cm, rộng 3-8 cm, bẹ lá úp vào nhau thành một thân giả, hai bên mép lá lượn sóng. Gân lá song song, mặt trên lá lõm thành rãnh, mặt dưới lá có một gờ sống lá nổi rất rõ, đáy bẹ lá nơi sát đất có màu tím. Hoa mọc thành tán thường từ 6 (có khi 9, 10, 12) trên một tán lá đôi, cán hoa dài 20-60 cm. Cánh hoa mảnh, rộng màu trắng có điểm màu phớt hồng, hoa dài 10-20cm. Nụ hoa lúc chưa nở phồng to, ngắn, nhị màu trắng, vòi nhị mảnh, vượt lên trên nhị. Cuống hoa tròn, ngắn, đế tán hơi cong, dài khoảng 7cm, đế và cuống hoa màu xanh. Khi hoa nở hết, cánh hoa xếp sát nhau giữ hình ống. Hoa ít thơm. Thân cây thường ngắn có màu đỏ tía, từ thân hành mọc rất nhiều củ con có thể tách ra để trồng riêng một cách dễ dàng.
Ở Việt Nam có 12 cây thuộc chi Crinum giống cây trinh nữ hoàng cung. Trong chi này có cây náng trắng có độc tính rất cao, nếu uống nhầm ảnh hưởng đến gan, thận. Nếu không kiểm tra ADN và nhiễm sắc thể, hoặc cây chưa ra hoa thì rất khó phân biệt được bằng mắt thường các cây này với nhau.
Trong chi Crinum chỉ có Crinum latifolium L. có tác dụng trị u xơ tử cung và u xơ tuyến tiền liệt. Hiện nay, nhiều người nhầm lẫn cây trinh nữ hoàng cung với một số cây náng khác hoặc cây huệ biển, đã tùy tiện lấy lá đun sôi làm nước uống chữa bệnh nhưng đã bị ngộ độc, nôn ói. Thậm chí có một số loài cây náng được nhập từ các nước Châu Á khác mà nhân dân nhầm lẫn là cây Trinh nữ hoàng cung, cây này hiện đang được nghiên cứu nếu uống nhầm cây này có thể dẫn tới vô sinh.
Theo TS Trâm, để phân biệt cây TNHC với cây Huệ biển, cây Náng trắng phải dùng phương pháp phân tích khoa học trong phòng thí nghiệm – điều này không phải dễ dàng. Do đó, tốt nhất bệnh nhân không nên dùng lá tươi nếu không biết chắc đó có phải là lá TNHC hay không mà nên tìm mua những sản phẩm đã được Bộ y tế công nhận là thuốc để điều trị bệnh. Người bệnh cần cân nhắc kỹ khi quyết định lựa chọn lá cây TNHC cũng như các sản phẩm từ cây TNHC trên thị trường để đem lại hiệu quả trị bệnh với chi phí hợp lý.
Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về cây TNHC và các sản phẩm được chiết xuất và bào chế dựa trên các công trình nghiên cứu của TS Trâm và cộng sự thì có thể liên hệ theo số điện thoại : (08)54045327
ĐÔNG HƯỜNG (thực hiện)