Gần đây một số thông tin cho rằng alcaloid toàn phần trong cây Náng hoa trắng lớn hơn cây Trinh nữ hoàng cung, có nghĩa khả năng điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt tốt hơn. Thông tin này hoàn toàn không có cơ sở khoa học đầy đủ, không chính xác, gây hiểu lầm, làm người bệnh hoang mang lo lắng.
TS. DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm – Giám đốc Công ty TNHH Thiên Dược, người đầu tiên và có gần 30 năm nghiên cứu bài bản về loại cây này và được nhận giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ do Chủ tịch nước trao tặng cho Cụm công trình nghiên cứu về Trinh nữ Hoàng cung sẽ thông tin rõ hơn cho bạn đọc cũng như người bệnh hiểu đúng để sử dụng hiệu quả.
PV. Thưa TS.DS, trong cây Trinh nữ hoàng cung hoạt chất nào mới có tính năng kháng u? Có phải là lycorin?
TS.DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm. Hoạt chất chính trong cây Trinh nữ hoàng cung có khả năng điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt là một số chất đặc trưng như: ambelline, 1β,2β-epoxyambelline…và một số chất khác nữa trong 16 alcaloid. Những chất này tôi đã nghiên cứu và công bố trên tạp chí hóa học nước ngoài. Chúng tôi đã chiết những chất có tác dụng làm giảm khả năng chuyển testosterone sang dihydrotestosterone, đây là nguyên nhân gây ra bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Theo đề tài tôi nghiên cứu về cây Trinh nữ hoàng cung thì không phải lycorin, chất này không có khả năng kháng u.
Có thông tin cho rằng hoạt chất trong cây Trinh nữ hoàng cung alkaloid (lycorin) không bằng một cây khác, ví dụ như Náng hoa trắng, vậy có đúng không? Và hoạt chất lycorin có tính năng gì, có khả năng kháng u không?
Cây Trinh nữ hoàng cung và cây Náng hoa trắng cùng chi Crinum (chi náng) vì vậy chúng đều có một chất chung là lycorin. Ngoài lycorin trong cây Trinh nữ hoàng cung còn có 16 alcaloid khác như: 9-octadecenamide, dihydro-oxo-demethoxyhaemanthamine, augustamine, oxoassoanine , crinane-3α-ol, buphanidrine, powelline, undulatine , ambelline, 6-hydroxybuphanidrine, 6-hydroxypowelline, crinamidine, 6-hydroxyundulatine, 1β,2β-epoxyambelline, epoxy-3,7-dimethoxycrinane-11-one, 6-hydroxycrinamidine.
Đã có thông tin cây Náng hoa trắng có hàm lượng alcaloid cao hơn hàm lượng alcaloid trong cây Trinh nữ hoàng cung, do đó có tác dụng chữa trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt tốt hơn, điều này là hoàn toàn không đúng, không chính xác về mặt khoa học bởi vì trong tự nhiên có khoảng 5.500 hợp chất alcaloid và 250 dạng cấu trúc khác nhau, tác dụng sinh học của cây được tính theo các chất có tác dụng sinh học chứ không phải alcaloid tính theo lycorin. Mọi người lầm tưởng rằng alcaloid tính theo lycorin càng cao thì tác dụng sinh học chữa bệnh càng cao là hoàn toàn sai lầm. Hàm lượng alcaloid theo lycorin (tính theo phân tử lượng của lycorin) nhưng lycorin không phải là chất có tác dụng sinh học chữa trị khối u. Vì vậy lượng lycorin lớn, hàm lượng lớn không có nghĩa cây đó có tác dụng sinh học cao hơn cây Trinh nữ hoàng cung mà tôi đã nghiên cứu 30 năm qua. Cây Náng hoa trắng có tên khoa học Crinum asiaticum L. còn cây Trinh nữ hoàng cung có tên khoa học Crinum latifolium L., do đó các alcaloid trong Trinh nữ hoàng cung hoàn toàn khác với các alcaloid có trong cây Náng hoa trắng. Từ sự khác biệt về thành phần hóa học dẫn đến sự khác nhau về tác dụng sinh học, nên không thể so sánh chúng, điều này là khập khiễng.
Trinh nữ hoàng cung thực sự có tác dụng điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiến liệt như kết quả thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh. Việc công chúng hiểu alcaloid có nghĩa là một chất cụ thể như vậy là chưa chính xác. Mỗi alcaloid trong một cây đều có tác dụng khác nhau và tác dụng chữa trị bệnh khác nhau.
Để trở thành một viên thuốc chữa bệnh từ thảo dược thì cần hội đủ những điều kiện gì?
Để trở thành thuốc từ dược thảo ngoài việc nghiên cứu từ thực vật học, thành phần hóa học, tác dụng sinh học, chiết xuất, bào chế còn phải nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng
– Tiền lâm sàng (độc tính cấp, độc tính bán trường diễn)
– Nghiên cứu lâm sàng:
+ Giai đoạn I: cỡ mẫu 10 – 30 người khỏe mạnh tình nguyện
+ Giai đoạn II: cỡ mẫu tối thiểu 50 người
+ Giai đoạn III: 3 trung tâm cùng thực hiện với cỡ mẫu tối thiểu 100 người bệnh.
Sau khi có kết luận của Hội đồng khoa học Bộ Y tế, lúc đó mới được Cục Quản lý Dược Bộ Y tế xem xét. Khác với thực phẩm chức năng không cần thử nghiệm lâm sàng, nhà sản xuất tự công bố chất lượng nên phải ghi dòng chữ “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Sản phẩm là thuốc sẽ được ghi để điều trị một căn bệnh cụ thể.
Được biết có rất nhiều cây có hình thái học giống cây Trinh nữ hoàng cung? TS có nghiên cứu về các loại cây đó chưa? Các loại cây đó có hoạt chất kháng u không? Bằng mắt thường có thể phân biệt được không?
Xét về hình thái bên ngoài (hình thái thực vật) thì ở Việt Nam còn 6 cây náng lá rộng khác, những cây này có ADN khác với cây Trinh nữ hoàng cung, khác cả thành phần hóa học dẫn đến tác dụng sinh học cũng khác. Để chứng minh các loại cây này có hoạt chất kháng u hay không, cần phải nghiên cứu trên mô hình dược lý, tác giả phải định hướng những nhóm hoạt chất nào chữa được bệnh gì sẽ tiến hành nghiên cứu tác dụng dược lý trên các mô hình dược lý khác nhau. Tác giả của công trình cần phải đi sâu nghiên cứu nhóm hoạt chất của từng cây trên cơ sở đó tự dự đoán cây có tác dụng trên căn bệnh nào. Điều này đòi hỏi tác giả cần hiểu biết về các thành phần hóa học của các loài cây và phải nghiên cứu ADN để phân biệt chúng.
Nếu người dân sử dụng cây Trinh nữ hoàng cung thay vì dùng thuốc, như vậy có được không?
Theo ý kiến của riêng tôi việc sử dụng cây Trinh nữ hoàng cung trên thị trường là không nên, vì có nhiều cây giống với Trinh nữ hoàng cung nếu chỉ nhìn hình thức bên ngoài, thực tế chúng khác nhau và khác nhau cả về ADN dẫn đến thành phần hóa học khác nhau. Trong những cây náng lá rộng nhân dân nhầm lẫn là Trinh nữ hoàng cung có những cây chưa được nghiên cứu vì vậy không nên sử dụng, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và có những tác dụng phụ khác.
Thực tế tôi chiết tách những alkaloid từ lá cây Trinh nữ hoàng cung có tác động trực tiếp đến khối u, bào chế thành viên Crila và Crila là thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng, khác với những sản phẩm là thực phẩm chức năng không phải là thuốc. và kết quả Crila, Crila forte hầu như không có tác dụng phụ (tác dụng không mong muốn) đối với người bệnh mà chỉ có tác dụng tốt đối với người bệnh ở những alcaloid có hoạt tính sinh học chữa trị bệnh, cụ thể thử nghiệm lâm sàng đối với bệnh phì đại tuyến tiền liệt đạt kết quả 89,18% và bệnh u xơ tử cung đạt 79,5%.
Được biết, cây Trinh nữ hoàng cung được nằm trong danh sách các loại cây thuốc cần được bảo tồn, phát triển đến năm 2020 theo danh mục dược liệu tập trung trồng và phát triển ở quy mô lớn theo quyết định số 1976 QĐ/TTg ngày 30-10 của Thủ tướng chính phủ, bà có dự định gì?
Chúng tôi cũng được biết cây Trinh nữ hoàng cung mà tôi là tác giả được xếp vào danh mục dược liệu tập trung trồng và phát triển ở quy mô lớn theo quyết định số 1976 QĐ/TTg ngày 30-10 của Thủ tướng chính phủ. Đây là quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Dự định của tôi là phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm thuốc Crila, mở rộng trên thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu tạo ra sản phẩm thuốc mới hỗ trợ điều trị ung thư từ hai sáng chế số 1168: “Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn alcaloit có hoạt tính sinh học điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung” và số 1213: “Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn chứa flavonoit có hoạt tính sinh học hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung”.
Chúng tôi hi vọng sẽ có sản phẩm thuốc mới hỗ trợ điều trị ung thư từ công trình này.
Trân trọng cảm ơn TS!
ĐÔNG HƯỜNG (thực hiện)