Gương mặt phúc hậu, dịu dàng, nữ Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Ngọc Trâm được mệnh danh là : “vị cứu tinh” của các bệnh u xơ tử cung, u xơ tuyến vú ở phụ nữ và u xơ tiền liệt tuyến ở đàn ông. Điều đáng nói là viên thuốc CRILA quý giá mà chị Trâm là tác giả lại được bào chế từ một loại cây cỏ hoang dại có tên trong dân gian là cây trinh nữ hoàng cung.
Niềm vui hôm nay của chị tại lễ nhận giải thưởng Kovalevskaia 2007 vinh danh những phụ nữ làm khoa học xuất sắc gắn liền với quá trình “thuần chủng” loại cỏ hoang này và biến nó thành một loại dược liệu quý có thể nuôi trồng, chủ động tạo nguồn nguyên liệu thuốc bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại sản xuất thuốc với giá thành rẻ, được người tiêu dùng chấp nhận đã kéo dài tới…15 năm với biết bao buồn vui, gian nan, vất vả…
Đó là năm 1990, khi người con gái cưng của GS – TS Nguyễn Văn Trương (Tổng biên tập của cuốn từ điển bách khoa nổi tiếng) tốt nghiệp dược sĩ (DS), hoàn thành nghiên cứu chiết xuất tinh dầu cây húng chanh để sản xuất thuốc ho cho trẻ em, sau những chặng đường dài kiên trì tìm kiếm, đã bất ngờ gặp được cây trinh nữ hoàng cung tại Huế. Đây là một loại cây có họ với hoa hồng mà để nhận mặt được nó chị đã phải lang thang khắp đất nước, tỉ mỉ với từng lá cây ngọn cỏ và từng ngôi vườn dược liệu.
Chị nhớ lời cha: “Sao đất nước mình nhiều loài cây thuốc thế, DS của mình nhiều thế mà vẫn phải đi mua thuốc của nước ngoài về trị bệnh?”. Trong quá trình lăn lộn với những củ giống trinh nữ gom được từ Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, đưa chúng về nhân giống tại các vườn dược liệu ở TP. HCM, khai thác và bào chế chúng, không hiếm những khó khăn gặp phải khiến người bình thường dễ bỏ cuộc, chị Trâm được cha tiếp sức bằng những câu động viên. Khuyến khích: “Hãy cố gắng đóng góp vào sáng chế!”, “Hãy kiên nhẫn đừng ngã lòng!”…
Nhờ vậy, viên thuốc có nguồn gốc từ cây trinh nữ hoàng cung mang tên CRILA của chị Trâm đã ra đời, được ghi nhận là viên thuốc đầu tiên trên thế giới điều trị u xơ tử cung cho phụ nữ. Tác giả của nó đã chứng minh được một sự thật: các chất có hoạt tính sinh học kích thích hệ miễn dịch hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, ngăn chặn sự tạo mạch của tế bào ung thư và các bệnh khối u lành tính khác như u xơ tử cung và u phì đại lành tính tuyến tiền liệt…có thể tìm thấy trong thảo dược.
Người nữ DS kiên định ấy bằng tâm huyết của mình đã xoá bỏ được những mặc cảm về khả năng thuần hoá cây cỏ hoang thành những nguồn dược liệu mới ổn định, có chất lượng vượt trội để sản xuất ra những loại thuốc quý, ít tác dụng phụ, hiệu quả điều trị cao, không thua kém các chế phẩm thuốc sản xuất từ tổng hợp hoá học khác. Đó cũng là những lý do khiến CRILA của chị được vinh danh là “Sản phẩm chất lượng vì cộng đồng” và được nhận huy chương vàng tại hội chợ Y Dược học phương Đông và quốc tế.
Còn nhớ, một thời gian không ngắn, sau khi thuốc CRILA ra đời, có khá nhiều những nghi ngờ, thành kiến với chế phẩm thuốc nội giá thành hạ này. Thậm chí ai đó còn tung lên trên mạng internet, lên báo chí những thông tin kiểu như “Coi chừng bị lừa. Thuốc CRILA dỏm”, “Trinh nữ hoàng cung không chữa được u xơ…”. Năm 2005, Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho CRILA. Tháng 7/2007, CRILA được Bộ Y tế chính thức có quyết định công nhận, chấm dứt những ngày tháng “đoạn trường” của loại tân dược mới gắn với cuộc đời người nữ DS mê hoa hồng này.
Nếu so với loại thuốc Tadenan chiết xuất từ cây mận gai ở châu Phi, thuốc CRILA của chị có hiệu quả chữa trị u xơ không hề thua kém, trong khi giá thành của CRILA chỉ bằng khoảng 60%. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với những bệnh nhân nghèo cần thuốc chữa bệnh, mà còn thúc đẩy ý nguyện “giảm nhập khẩu thuốc, tăng xuất khẩu thuốc” mà người cha say mê nghiên cứu khoa học đã nhen vào lòng con gái mình ngày nào.
Trở về từ Hà Nội với giải thưởng Kovalevskaia 2007, cô gái xứ Nghệ nhiều mơ ước, cô nữ sinh Trưng Vương giàu nghị lực năm xưa và TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm hôm nay có thêm tự tin và quyết tâm trên con đường khoa học mà chị đã đeo đuổi 40 năm qua. Căn nhà nhỏ của chị tại TP. HCM đang chờ người phụ nữ không chỉ giỏi làm khoa học mà còn vén khéo, đảm đang việc nhà. Gia tài quý nhất trong căn nhà ấy của chị là những giá sách nặng, nơi đó có người chồng là giảng viên đại học luôn chia sẻ với vợ mọi vui buồn nghề nghiệp và cuộc sống, là những đứa con ngoan ngoãn nay đã trưởng thành.
“Hạnh phúc với tôi là khi mình có thể đem lại được niềm vui cho người khác. Tôi từng có cảm giác đó trong cuộc đời làm khoa học của mình, là phút mừng rơi nước mắt khi hay tin bệnh nhân của mình có trường hợp không những uống thuốc chữa lành căn bệnh ung thư mà may mắn hơn là có thai và sắp sửa được làm mẹ!” – người mẹ – nhà khoa học Nguyễn Thị Ngọc Trâm chia sẻ.