Bệnh Phì Đại Tuyến Tiền Liệt
Bệnh Phì Đại Tuyến Tiền Liệt
(U Xơ Tuyến Tiền Liệt)
Phì đại lành tính tuyến tiền liệt (PĐLTTTL): là một u lành hay gặp nhất ở nam giới và chiếm một phần quan trọng trong lão khoa. Trong những năm gần đây, qua nhiều công trình nghiên cứu đều cho thấy phì đại tuyến tiền liệt tăng dần theo tuổi và phụ thuộc vào hoạt động nội tiết tố nam. Theo điều tra của Giáo Sư Trần Đức Thọ – bệnh viện Lão khoa, Hà Nội cho thấy: trong nam giới Việt Nam có tới 59,18% trên 50 tuổi và 76,93% từ 75 đến 79 mắc bệnh này.
NGUYÊN NHÂN
Có mối liên quan chặt chẽ giữa PĐLTTTL với tuổi và những thay đổi nội tiết liên quan đến tuổi. Androgen lưu hành và dihydrotestosteron (DHT- dạng hoạt động của androgen trong tuyến tiền liệt) đóng một vai trò quan trọng trong phát triển bệnh PĐLTTTL.
Sinh bệnh học: Tuyến tiền liệt là nơi tập trung rất nhiều thụ cảm α aldrenergic và một số nhỏ β aldrenergic. Sự co thắt cơ trơn tuyến tiền liệt phụ thuộc chủ yếu vào cảm thụ quan α1, chính vì vậy nên tồn tại 2 cơ chế gây tắc nghẽn đường tiểu trong PĐLTTTL: Khi tuyến tiền liệt phì đại to ra sẽ chèn ép vào niệu đạo gây nên triệu chứng cản – trở đường tiểu gây triệu chứng tắc nghẽn. Phản xạ co thắt cơ trơn do kích thích những cảm thụ quan α aldrenergic – gây triệu chứng kích thích.
CHẨN ĐOÁN
Triệu chứng lâm sàng: được đặc trưng bởi 2 triệu chứng tắc nghẽn và kích thích
– Triệu chứng tắc nghẽn: biểu hiện bằng tiểu nhỏ giọt, ngập ngừng, gián đoạn, tia nhỏ và yếu, có cảm giác tiểu không hết, bí tiểu. Các triệu chứng này là do phì đại tuyến tiền liệt gây nên.
– Triệu chứng kích thích: Biểu hiện bằng tiểu gấp, tiểu khó, tiểu rỉ, tiểu đêm nhiều lần,… Các triệu chứng này có thể do hậu quả của đái không hết, có thể do nhiễm khuẩn tiết niệu thứ phát. Tóm lại, triệu chứng kích thích là hậu quả phản ứng của bàng quang sau các triệu chứng tắc nghẽn.
TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
– Tiến triển: Những triệu chứng tắc nghẽn và kích thích trong PĐLTTTL sẽ ngày càng tăng dần với những đợt cấp xen kẽ những đợt lui bệnh. Sự rối loạn vận cơ do những cảm thụ quan alpha của u tuyến và vỏ tuyến đóng vai trò quan trọng trong những đợt tiến triển cấp.
– Biến chứng:
+ Bí tiểu: Triệu chứng tắc nghẽn đường tiểu có thể cấp tính hoặc mạn tính, có thể gây bí tiểu
+ Sỏi tiết niệu: Chẩn đoán dựa vào Xquang, siêu âm
+ Túi thừa bàng quang: Chẩn đoán bằng siêu âm và UIV
+ Nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt: điều trị khỏi bằng kháng sinh
+ Tiểu ra máu: Cần phải phân biệt với tiểu ra máu do bệnh Phì đại tuyến tiền liệt với tiểu ra máu do các nguyên nhân khác như: sỏi, u bàng quang, ung thư thận, lao thận
+ Ung thư tuyến tiền liệt
-internet-