n thế giới có tác dụng đối vớCrila là viên thuốc đầu tiên trêi bệnh u xơ tử cung và là một trong ba viên thuốc điều trị Phì đại lành tính tuyến tiền liệt

Báo chí

Từ cây Trinh nữ hoàng cung đến giải thưởng Kovalepskaia

09/06/2016

Ngày 25/12/2007 tại Hà Nội, Ủy ban giải thưởng Kovalepskaia, (giải thưởng hàng năm của một tổ chức Mỹ mang tên nhà khoa học nữ người Nga dành cho các nhà khoa học nữ trên thế giới) đã vinh danh Tiến sĩ hóa dược Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển sản xuất dược phẩm CRILA (thuộc Công ty Cổ phần Dược liệu TƯ 2 – TPHCM). Bằng công trình nghiên cứu và điều chế thành công viên thuốc CRILA có tác dụng chữa trị u xơ tuyến tiền liệt (TLT) (còn gọi là phì đại tiền liệt tuyến – ở nam giới) và u xơ tử cung (ở nữ giới), TS Ngọc Trâm đã trở thành vị cứu tinh cho những người mắc căn bệnh này. Phóng viên GĐ&TE đã có buổi gặp gỡ với tác giả của viên thuốc đầu tiên trên thế giới điều trị u xơ tử cung được chiết xuất từ dược liệu mọc hoang dại ở các bờ bụi gần nước, mọc nhiều ở các tỉnh phía Nam nước ta: cây trinh nữ hoàng cung (TNHC)!

Duyên nợ từ một cây thuốc dân gian

Thưa TS, bà có thể cho biết buổi đầu “nên duyên” và dấn thân với cây TNHC để làm nên viên thuốc Crila nổi tiếng hiện nay?

Năm 1984 tôi trúng tuyển đi nghiên cứu sinh ở Bungary về hóa dược, đến năm 1990 tôi bảo vệ thành công luận án “Nghiên cứu thành phần hóa học của tinh dầu thảo quả Việt Nam”, tìm ra được 48 hóa chất có trong loại quả này và được trường Đại học Hóa kỹ thuật Sofia giữ lại làm trợ giảng, sau đó tôi được chọn làm cộng tác viên khoa học của Viện Hàn lâm khoa học Bungary và tham gia nhóm nghiên cứu chữa khối u ở đây. Thời gian này tôi đi đi về về giữa hai nước và nghĩ sao mình không tìm một loại dược liệu nào ở quê nhà nghiên cứu chiết xuất ra loại thuốc chữa khối u. Tôi vào Huế và được biết ở đây là sứ sở của vua chúa nên có rất nhiều bài thuốc của các quan ngự y ngày xưa còn được lưu truyền trong dân gian. Tình cờ tôi được chị hàng nước cho biết ông tổ chị có bài thuốc gia truyền để lại là dùng cây TNHC mọc hoang dại ở rìa các đầm nước chữa được bệnh khối u cho phụ nữ (biểu hiện qua rong huyết) mà dân gian ở Huế còn gọi là cây tỏi lơi.

Và bà bắt tay vào nghiên cứu?

Đúng vậy, qua khảo sát, tìm hiểu tôi còn được biết cây TNHC còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: thập bát học sĩ, thuộc loài náng trắng, tên khoa học là Crinum Latifolium L. (tên thuốc Crila sau này được ghép từ đây), thuộc họ thủy tiên (Amaryllidaceae). Sau đó tôi mang về nghiên cứu mật mã gen (ADN) tại Bungary để xác định đúng cây TNHC, tôi bắt đầu tìm tòi và nhân giống từ từ, ban đầu trồng ở Trị An (500m2), Nha Trang (300m2), TPHCM (1.000m2), tiếp tục nhân giống chuyển dần lên trại giống ở Long Thành phát triển lên 5ha (2004), 15ha (2005) tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động…

Được biết cây TNHC trong dân gian còn được dùng để ngừa thai, vậy khi chiết xuất thành viên chữa u xơ tử cung, phụ nữ trẻ uống vào có thể gây vô sinh không, thưa bà?

Đây là một vấn đề hết sức nguy hiểm đối với việc sử dụng thuốc dân gian trong cộng đồng mà bà con cần lưu ý. Qua khảo sát chúng tôi thấy có đến 12 cây về hình thái thực vật rất giống cây TNHC, chỉ khác nhau khi chúng trổ hoa (nhìn bằng cảm quan chưa chắc chính xác), trong đó có cây chứa độc tính. Cây TNHC được phân bố ở Tung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, ở Việt Nam có nhiều ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang và một số tỉnh phía Nam như Bà Rịa Vũng Tàu. Khi trồng ở các vùng thổ nhưỡng khác nhau thì dược tính của cây cũng khác nhau, chẳng hạn ở Việt Nam ta mà trồng ở phía Bắc thì chỉ có tác dụng làm kiểng, còn cây ở Campuchia thì lại có tác dụng ngừa thai. Cây TNHC Việt Nam mà chúng tôi sử dụng chiết xuất thành viên Crila lại không chứa dược tính ngừa thai, qua thử nghiệm lâm sàng nhiều chị em khỏi bệnh đã có thai trở lại (nếu có khối u chèn ép dễ bị hư thai).

Viên Crila được chiết xuất từ bộ phận nào của cây TNHC, thưa bà?

Viên Crila được chiết xuất từ lá, còn các bộ phận khác như thân, hoa, rễ chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu.

15 năm tìm chỗ đứng cho viên thuốc

Được biết để có được vị thế hôm nay trong danh mục dược phẩm, viên Crila và người “mẹ đẻ” của nó phải đi qua nhiều chặng đường gian nan, thưa bà?

Tôi bắt tay vào nghiên cứu để bào chế viên thuốc Crila suốt mười lăm năm và đúng là hành trình ấy nhiều chông gai mà tôi phải vượt qua. Khó khăn đầu tiên khi bắt tay vào từ những năm 90 là phân lập gen cho đúng cây TNHC, tôi phải mang sang nước bạn. Rồi bao nhiêu là thủ tục pháp lý rắc rối mình phải gánh chịu, cái khó khăn lớn nữa là tài chính, khi chưa tạo được vị thế, tự mày mò thì cũng đồng nghĩa với việc tự bỏ tiền ra làm. Phòng thí nghiệm ở nước bạn Bungary người ta chỉ hỗ trợ máy móc, thiết bị là quý rồi, còn nguyên liệu, công nhân, chuột, máu người thí nghiệm.v.v…thì mình phải tự trang trải chứ! Tôi đã bán căn nhà ở Hà Nội được 300 lượng vàng, đồng thời còn phải vay mượn thêm để dồn hết cho việc nghiên cứu. Lúc ấy cũng lo lắng lắm, nhỡ không thành thì lấy gì trả nợ?

Bà còn chịu áp lực tinh thần nào ngoài khó khăn về vật chất lúc đó?

Đó là sự nghi ngại của chính những người làm khoa học trong nước với nhau. Hồi trước có nhà khoa học nữ còn bảo “Nếu viên Crila mà chữa được u xơ tử cung chắc là thuốc tiên!”.

Giữa những lúc gian nan như thế, động lực nào đã giúp bà vượt qua?

Đó là tình yêu khoa học vô bờ bến và một niềm tin mãnh liệt vào việc tôi đang làm. Bất cứ lúc nào, trong giấc ngủ, lúc nấu cơm, rửa rau tôi đều nghĩ công việc tôi đang dấn thân và nhủ lòng là nó sẽ thành công trên những dữ liệu khoa học mà mình dày công thực hiện, thậm chí nếu không thành thì công lao của tôi sẽ không phí đi mà là tiền đề cho các thế hệ nghiên cứu tiếp theo!

Với tình yêu khoa học mãnh liệt như thế, bà đã khai sinh ra vị “thuốc tiên” thật sự?

Cuối cùng qua thử nghiệm lâm sàng ở 3 bệnh viện (BV) Y học cổ truyền Trung ương và TPHCM, Viện lão khoa vào các năm 2002, 2003, 2004 (đối với phì đại TLT) và 3 BV: Phụ sản TƯ, Phụ sản Từ Dũ, Y học cổ truyền TPHCM (đối với u xơ tử cung) trong các năm từ 2005, 2006, 2007 các khối u lành tính đã đáp ứng được thuốc và teo nhỏ lại, kết quả lâm sàng cụ thể ở nam đạt 89,18% ở nữ đạt 79,5%! Số lượng bệnh nhân thử nghiệm lâm sàng mà hội đồng khoa học đưa ra với thuốc này phải cao gấp rưỡi so với các thuốc chữa bệnh khác, cho thấy sự nghiêm ngặt với loại thuốc gây nhiều nghi ngại và tôi vui mừng thật sự khi vào năm 2005 Bộ Y tế chính thức cấp phép cho lưu hành sản phẩm Crila.

Được biết so với thuốc cùng loại của Pháp (được chiết xuất từ cây mận gai Châu Phi) thuốc Crila có giá thành rẻ hơn mà công dụng lại nhiều hơn?

Giá thành của Crila chỉ bằng 60% so với thuốc Tadenan của Pháp nhưng đáp ứng cho người bệnh được nhiều hơn: Tadenan chỉ cải thiện tình trạng tiểu tiện trong khi Crila làm teo nhỏ diện tích khối u! Nhưng niềm vui lớn nhất của tôi là giúp các bệnh nhân nữ không phải phẫu thuật u xơ tử cung, vừa đỡ đau đớn, biến chứng có thể sảy ra khi phẫu thuật, vừa đỡ chi phí điều trị!

Sau thành công của viên Crila, chắc có nhiều hãng dược phẩm lớn của nước ngoài tìm đến bà đề nghị nhượng quyền sáng chế chẳng hạn?

Vâng, nhưng tôi không đồng ý nhượng quyền sáng chế, tôi muốn đây là viên thuốc của người Việt Nam làm ra, có thể sau này hợp tác với các nước, xuất khẩu, hiện tại có đơn đặt hàng nhưng nguyên liệu chúng tôi chưa đáp ứng đủ.

Viên thuốc Crila đã trở thành thương hiệu và bà có sợ một lúc nào đó thương hiệu này sẽ bị cạnh tranh?

Crila đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp độc quyền, đoạt danh hiệu “Sản phẩm chất lượng vì cộng đồng” (vì qui trình trồng nguyên liệu sạch), huy chương vàng tại Hội chợ Y dược học phương Đông và quốc tế. Như đã nói vấn đề thổ nhưỡng để nuôi trồng nguyên liệu TNHC ảnh hưởng đến dược tính của cây thuốc nên Crila là cây thuốc của Việt Nam, trồng ở nơi khác tác dụng có thể khác đi, nên tôi không lo bị cạnh tranh!

Hiện nay, nhắc đến bà người ta hay dùng cụm từ “bà Trâm Kova”, bà thấy những cố gắng của mình đã được đền đáp?

(cười) Giải thưởng đối với tôi như một sự ghi nhận đúng những nổ lực dành cho khoa học đồng thời cũng là niềm động viên lớn lao đối với những người phụ nữ làm công tác khoa học. Nhưng tôi không xem đó là một áp lực hay cái gì đó quá to tát mà mình bị khuất vào cái bóng của nó.

Ngôi nhà lớn và người cha

Để có được thành công cho nhà khoa học Nguyễn Thị Ngọc Trâm hôm nay, từ nhỏ bà yêu thích nhà khoa học nào nhất và chịu ảnh hưởng của ai nhất trong gia đình?

Lúc nhỏ tôi học rất giỏi toán và yêu thích nhất là nhà nữ bác học Marie Curie (Pháp) và cả nữ bác học Kovalepskaia (Nga). Người tôi chịu ảnh hưởng nhất trong gia đình lớn, đó là người cha kính yêu của tôi, giáo sư Nguyễn Văn Trương (nguyên Tổng Biên tập cuốn Từ điển Bách khoa Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái), khi viên thuốc Crila được Bộ Y tế cho phép lưu hành cha tôi rất vui mừng, rất tiếc khi tôi nhận giải thưởng Kovalepskaia cha tôi không còn nữa. Từ nhỏ tôi đã tiếp thu tính cách của cha tôi: Làm gì là làm đến nơi đến chốn, hết mình say mê công việc. Cha tôi ước mơ tôi lớn lên trở thành dược sĩ và ông đã toại nguyện, chính ông là người thường nhắc nhở tôi: “Dược liệu Việt Nam mình đâu có thiếu, con phải ráng đóng góp nhiều sáng chế cho ngành dược liệu nước nhà”. Trong những ngày đầu khó khăn, nhất là khi gặp sự hoài nghi của một số nhà khoa học hay bị phản bác cả trên phương tiện truyền thông, cha là người động viên tôi rất nhiều, ông thường bảo: “Vạn sự khởi đầu nan, con chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo!”.

Gia đình bà có ai làm khoa học như bà?

Tôi là con gái lớn, các em tôi công tác ở các lĩnh vực khác nhưng cũng hết lòng ủng hộ và hỗ trợ công việc của chị mình. Khi tôi bán ngôi nhà và vay mượn thêm tiền để nghiên cứu cây TNHC, rất lo mai mốt lấy gì trả thì các em tôi “bảo lãnh”: “Nếu sau này chị có khó khăn thì các em sẽ thay chị trả để cho tôi chuyên tâm làm khoa học!”.

Tổ ấm của nhà khoa học

Là một nhà khoa học luôn bận rộn với những chuyến đi tìm nguyên liệu, nghiên cứu dự án.v.v…thời gian bà dành cho chồng và các con ra sao?

Thú thật nếu không có một gia đình hạnh phúc thì có lẽ tôi khó có được thành công trong công việc. Tôi may mắn có được người chồng (là giảng viên Đại học Thương mại) rất hiểu và chia sẻ công việc với vợ, không những là việc nhà, chăm sóc các con mà cả việc tìm nguồn nguyên liệu cho sản xuất của vợ. Vấn đề còn lại là mình biết sắp xếp thời gian cân bằng, lồng ghép khéo léo, hài hòa giữa việc nước và việc nhà thôi. Lúc tôi sang Bungary làm nghiên cứu sinh, con lớn tôi mới 8 tuổi, con nhỏ 6 tuổi, tôi vẫn thu xếp được và sau đó có dịp là tôi đưa chồng và các con sang chơi để cuộc sống gia đình không xa cách. Tuy tôi rất bận rộn, thú thật tôi không có cả thời gian xem ti vi nhưng gia đình tôi vẫn sắp xếp được những buổi chồng vợ con cái bên nhau, cái chính là chúng tôi luôn hướng đến gia đình.

Người ta bảo phụ nữ làm khoa học hay khô khan, ý kiến của bà?

Ngoài những lúc làm việc, tôi vẫn nấu nướng, vui đùa với các con, chăm sóc gia đình, được chồng và các con yêu thương như bao người phụ nữ khác mà!

Các con bà nay đều thành đạt? Có ai theo nghề của mẹ không?

Hai con gái tôi đều học về kinh tế (cháu học ở Mỹ, cháu học ở Việt Nam), cả hai đều có gia đình hạnh phúc và thành đạt với công việc, tôi cũng đã lên chức bà ngoại của một cháu trai rất kháu khỉnh!

Khi người vợ quá sáng chói ngoài xã hội thì hạnh phúc gia đình dễ chông chênh, riêng bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào và có bí quyết gì để vun đắp sự êm ấm của gia đình?

Tôi không bao giờ mang cái sáng chói ngoài đời về nhà, không xem những thành tích mình đạt được ngoài xã hội là “nhất” trong tổ ấm của mình. Tôi cũng chẳng có bí quyết gì cao siêu đâu, chỉ nghĩ và sống đơn giản hết mình vì gia đình, tất nhiên tôi cũng gặp may là chồng con tôi luôn ủng hộ và chia sẻ việc tôi làm. Với tôi, gia đình là thành trì vững chắc, là bệ phóng tinh thần không gì thay thế nổi!

Chị có nghĩ là người phụ nữ may mắn vì có cả hai: gia đình và sự nghiệp?

Nếu hiểu may mắn không phải là từ trên trời rơi xuống mà do chính mình tạo dựng thì tôi là một người may mắn vì có cả gia đình hạnh phúc và sự nghiệp.

Cảm ơn bà, chúc cho gia đình bà mãi ấm áp và viên Crila còn đi xa hơn nữa!

Hồng Liên (thực hiện)