n thế giới có tác dụng đối vớCrila là viên thuốc đầu tiên trêi bệnh u xơ tử cung và là một trong ba viên thuốc điều trị Phì đại lành tính tuyến tiền liệt

Báo chí

Tiến Sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm và bí mật về cây thuốc trinh nữ hoàng cung

03/06/2016

Ngày 21-7 vừa qua, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế chính thức cho phép CRILA, sản phẩm 100% chiết xuất từ lá cây Trinh Nữ Hoàng Cung, lưu hành toàn quốc sau ba lần thử lâm sàng giai đoạn 1,2,3..theo quy chế 371 của Bộ. Đây là tin vui cho các bệnh nhân phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung .. ở Việt Nam. Rất có thể đây cũng là tin vui cho các bệnh nhân ngoài biên giới Việt Nam thời gian không bao xa….

Tôi cứ băn khoăn về 2 chữ “ bí mật” có nên dùng lại nó cho bài viết này hay không? Vì chính lúc đó- năm 2000- khi đưa tôi đi thăm trang trại trồng cây dược liệu Trinh Nữ Hoàng Cung, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã nói: “ Anh là nhà báo đầu tiên mà tôi đưa tới coi vườn trinh nữ vì đây còn trong giai đoạn bí mật, coi cho biết trước”. Rồi chị giải thích, đại ý cây Trinh Nữ Hoàng Cung khó phân biệt với cây có hình dạng giống nó. Vườn Trinh Nữ Hoàng Cung thật này chị khổ công tìm kiếm ở nhiều vùng trong nước đem về đây chăm sóc để phục vụ cho đề tài nghiên cứu phục vụ trị bệnh u xơ tiền liệt tuyến, u xơ tử cung … Nhưng kết quả cuối cùng còn ở phía trước, còn đang nghiên cứu nên phải rất thận trọng …

Tiến sĩ Ngọc Trâm nói vậy, tôi biết vậy. Còn tôi ít ra cũng được 1 ngày thư giãn trong trang trại yên tĩnh này. Trang trại nằm khuất nẻo ở 1 góc huyện Long Thành, xung quanh là những hàng bạch đàn, luỹ tre bao bọc. Các nàng Trinh Nữ Hoàng Cung xanh mướt xếp thẳng hàng, luống thẳng tắp. Từng tốp công nhân làm việc cần mẫn, nhổ cỏ , chăm sóc từng nhành lá… Cuối ngày, chị Trâm đưa tôi đi coi những khu vườn riêng biệt, trồng những luống cây nhìn bề ngoài giống hệt những luống trinh nữ hoàng cung mà tôi chụp hình ban sáng, nhưng chị cho biết, đó không phải là trinh nữ hoàng cung… Chị cặn kẽ chỉ dẫn cho tôi những đặc điểm để phân biệt những cây này không phải trinh nữ hoàng cung chính hiệu (!). Vốn mù tịt kiến thức về thực vật học nên tôi cũng chỉ biết vậy, nhưng không quên chụp hình rất cẩn thận những cây trinh nữ hoàng cung “giả” ấy, để đem về… nghiên cứu (!).

Ít tháng sau, tôi lại được tiến sĩ Ngọc Trâm mời dự nghiệm thu chính thức đề tài cấp bộ “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ chiết xuất Alcaloid toàn phần từ lá cây trinh nữ hoàng cung dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị bệnh u xơ tiền liệt tuyến, u xơ tử cung” trước Hội đồng Khoa học Công nghệ của Bộ Y tế do chính chị làm chủ nhiệm đề tài…

Phòng họp của Công ty Dược liệu Trung ương II (nay là Công ty cổ phần Dược liệu TW2) ở đường Nguyễn Thị Nghĩa (Q1 – TP.HCM) vốn đã chật hẹp hôm ấy phải đón tiếp các vị giáo sư, quan chức Bộ Y tế từ Hà Nội vô, và khách mời nên lại càng chật chội. Tuy nhiên, sau một ngày làm việc nghiêm túc với những phản biện và phát biểu của khách mời có tên tuổi như tiến sĩ Nguyễn Thanh Hồng, Viện trưởng Viện Công nghệ Hóa học, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, và Giáo sư – tiến sĩ Đỗ Tất Lợi – người được xem là “ông vua” của ngành dược liệu nước nhà v.v… 9 thành viên của hội đồng, trong đó có một thành viên vắng mặt được thay thế, đã bỏ phiếu kín với kết quả 9/9 phiếu thuận, nghiệm thu chính thức với kết luận: Đề nghị đề tài được nghiệm thu chính thức cấp bộ…

Tôi đặc biệt lưu ý đến lá thư của Bác sĩ Lại Năng Hiệp – Vụ Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế, thành viên của Hội đồng vì lý do bất khả kháng không vào TPHCM dự nghiệm thu được đã biên một lá thư dài đề nghị Hội đồng đọc trước cử tọa về ý kiến của ông…

Lá thư có đoạn viết: Đây là một quá trình nghiên cứu, lao động kiên trì công phu và rất tâm huyết… Việc cho ra thị trường “Chè túi lọc trinh nữ hoàng cung” là một việc làm hợp lý, đáp ứng nhu cầu “cơn sốt thị trường về trinh nữ hoàng cung”, còn là một cách lấy ngắn nuôi dài… Đề tài đạt yêu cầu khoa học để đề nghị Bộ Y tế nghiệm thu chính thức…

Lúc đó, Tổng Công ty Dược liệu Trung ương 2 mới sản xuất “chè túi lọc trinh nữ hoàng cung” từ nghiên cứu của chị Trâm để bán cho các bệnh nhân u xơ tiền liệt tuyến và tử cung… nhưng đã nhận được nhiều thư từ biểu dương kết quả trị bệnh của loại trà thuốc này…

Ôm bản báo cáo dày cộm tổng kết đề tài nghiên cứu của Tiến sĩ Ngọc Trâm với những công thức hóa học rối rắm như sơ đồ một mạng bán dẫn điện tử, và nhiều tài liệu tham khảo khác về cây thuốc trinh nữ hoàng cung nữa, để về nhà… “nghiên cứu”, đầu óc chậm hiểu của tôi cũng vỡ vạc được đôi điều…

Số là, ở nước ta, từ xưa, các vua chúa vốn “tham lam” đã bắt thật nhiều cô gái đẹp về cung vua. Nhưng có rất nhiều trinh nữ hoàng cung cả đời không được vua “dòm ngó “ tới nên dễ sanh bệnh phụ khoa… Các ngự y đã dùng 1 cây thuốc để chữa bệnh cho các trinh nữ. Cây thuốc đó sau này mang tên cây “Trinh nữ hoàng cung”.

Nhân dân ta từ lâu đã sử dụng lá cây trinh nữ hoàng cung thật, có tác dụng chữa trị các bệnh mà ngày nay chúng ta gọi là u vú, u nang buồng trứng, u xơ tiền liệt tuyến ở nam giới… Trên cơ sở đó, từ năm 1990, Tiến sĩ hóa học Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã kết hợp kinh nghiệm truyền lại của các ngự y để sưu tầm, thu gom củ giống trinh nữ hoàng cung từ Cố đô Huế, Đà Nẵng, Nha Trang đem về gây giống, nuôi trồng ở TPHCM và sản xuất dưới dạng trà trinh nữ hoàng cung, được Công ty Dược liệu Trung ương 2 cho lưu hành toàn quốc… Theo phản ánh của người dùng thì kết quả rất tích cực, u xơ giảm nhiều, thậm chí không còn thấy sau khi siêu âm. Nhưng để bào chế các chế phẩm có hoạt tính cao hơn, phải dựa vào các phương pháp nghiên cứu hiện đại, để có thuốc trị bệnh khỏi hẳn mà lại rẻ tiền, không có tác dụng phụ như thuốc của các quốc gia Âu Mỹ dùng hóa trị, xạ trị… như hiện nay, thì đó là một “bức tường lửa” mà Tiến sĩ hóa học Nguyễn Thị Ngọc Trâm không dễ gì vượt qua.

Chị Trâm đã có lần nói với tôi: “Các nhà khoa học của ta rất giỏi… nhưng lấy đâu ra tiền để mua những máy móc hiện đại giá hàng triệu đô-la?”. Nhưng với tinh thần tiến công của một nhà khoa học tài năng, Tiến sĩ Ngọc Trâm đã đồng thời nghiên cứu cơ bản trong nước, đồng thời đem đề tài của mình hợp tác nghiên cứu với Viện Hàn lâm khoa học Bungari, nơi xưa kia, năm 1985, chị đã bảo vệ luận án tiến sĩ hóa học và sau được giữ lại làm trợ giảng cho khoa hóa hữu cơ Trường Đại học Sophia.

Chính nhờ những thiết bị hiện đại trên đất nước bạn, Tiến sĩ Ngọc Trâm và các đồng nghiệp nước ngoài của mình mới có thể chiết xuất được hợp chất có hoạt tính sinh học có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào u. Chính vì căn bệnh u xơ có tính chất “đại trà” thời nay và những thông tin về cây thuốc trinh nữ hoàng cung đã thu hút các nhà khoa học lao vào nghiên cứu, đồng thời cũng tạo nên một thời kỳ nhiễu loạn thông tin về nghiên cứu cây trinh nữ hoàng cung ở thập kỷ 90, đến nỗi “lão làng” Đỗ Tất Lợi phải lên tiếng vào năm 1998 !

Một buổi sáng đẹp trời cuối năm 2001, theo hẹn tôi ngồi chờ Tiến sĩ Trâm lại “bí mật” cho đi thăm một cơ sở sơ chế lá cây trinh nữ hoàng cung làm nguyên liệu trà trinh nữ hoàng cung… Nhưng rồi một cú điện thoại đến, chị Trâm cho biết, chị phải đột xuất bay sang Bungari ngay để kịp cùng cộng đồng người Việt đang ở đó đón tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn Chính phủ Việt Nam sang thăm. Sứ quán ta còn cho biết là Tiến sĩ Ngọc Trâm sẽ phải báo cáo với Thủ tướng về đề tài hợp tác nghiên cứu khoa học của chị với các bạn Bungari.

Sau chuyến đi Bungari năm đó, chị Trâm mang đến cho tôi xem tấm hình vợ chồng Thủ tướng Phan Văn Khải chụp kỷ niệm với chị và 2 đồng chí ở sứ quán Việt Nam. Bên dưới tấm hình đó có “dấu” đỏ, đề: “Thủ tướng Phan Văn Khải tặng”. Tôi hỏi Tiến sĩ Trâm: “Thủ tướng nhận xét gì về đề tài cây trinh nữ hoàng cung?”. Chị Trâm trả lời: “Nghe xong báo cáo của tôi, Thủ tướng Phan Văn Khải tỏ vẻ rất hài lòng”.

…Bây giờ thì không còn “bí mật” nữa. Chị Trâm mời tôi đến thăm Trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm Crina, cũng như chị đã mời các nhà báo ra tận Long Thành tham quan trang trại trinh nữ hoàng cung mà 5 năm trước đây, chỉ mình tôi được “bí mật” đi coi !

…Tiến sĩ Ngọc Trâm yêu cầu tôi bỏ dép, đi dép mới, rửa tay, mặc quần áo blouse trắng… trước khi vô các gian phòng rửa chai, pha chế, sấy đóng gói… thuốc Crila… tại Trung tâm Dược phẩm Crina thuộc Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 mà chị đang làm giám đốc… Tất cả đều vệ sinh, ngăn nắp; đến không khí cũng được “đưa từ trên cao xuống” như chị giới thiệu. Tôi được biết, cứ 3 ngày thì trung tâm này cho ra đời 1.000.000 viên Crila. “Đó là mức “khiêm tốn” ban đầu – chị Trâm nói.

Năm năm trước đây, tôi có may mắn được Tiến sĩ Ngọc Trâm “bí mật” cho đi thăm các nàng trinh nữ hoàng cung… Sau này tôi hiểu, lúc đó chị muốn tôi làm “nhân chứng” cho những việc làm nghiêm túc, khoa học cần có trong lúc thật giả còn lẫn lộn. Bây giờ thì mọi việc đã minh bạch.

Qua những lần tiếp xúc, chứng kiến công việc của chị, tôi nhận rõ chị Trâm là một nhà khoa học trung thực, tài năng, giàu lòng quả cảm, nặng tình với quê hương đất nước. Ngồi ăn với chị trong quán hàng, bao giờ tôi cũng thấy chị không từ chối mua vài tấm vé số cho một em nhỏ, một bà già… Chị bảo mua rồi cất đi và thường quên luôn vì thì giờ đâu mà giở ra dò coi trúng trật!

LÊ PHÚ KHẢI