n thế giới có tác dụng đối vớCrila là viên thuốc đầu tiên trêi bệnh u xơ tử cung và là một trong ba viên thuốc điều trị Phì đại lành tính tuyến tiền liệt

Báo chí

Người khám phá bí mật Trinh Nữ Hoàng Cung Bài cuối: SỰ CỐ BẢN QUYỀN VÀ SỐ PHẬN 696 LỌ MẪU

02/06/2016

Khi chúng tôi kết thúc loạt bài này thì việc nghiên cứu TNHC của tiến sĩ Trâm và cộng sự của bà đang bước vào giai đoạn mới. Và nếu việc thử nghiệm lâm sàng trong những ngày tới tiếp tục thuận lợi thì viên Crila – ngoài công dụng điều trị phì đại lành tuyến tiền liệt ở nam giới – sẽ chính thức được ghi thêm trên bao bì một chỉ định mới là “điều trị u xơ tử cung”. Tổng giám đốc Phytopharma, dược sĩ Hoàng Thế Tân cũng cho biết sẽ quyết tâm hoàn thành các thủ tục để dược phẩm Crila sớm có mặt trên thị trường thế giới.

Ngược thời gian, năm 1994, tiến sĩ Trâm (lúc đó còn là phó tiến sĩ) đại diện cho Viện Hàn lâm khoa học (HLKH) Bulgari đã ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học lâu năm số 06/DL2-HĐ với Phytopharma về “trồng trọt, thu hái, chế biến, nghiên cứu thành phần hóa học, nghiên cứu tác dụng điều trị ung bướu của dạng trà Trinh nữ hoàng cung”.

Ngay sau khi hợp đồng này được ký kết, một nhóm nghiên cứu được hình thành gồm tiến sĩ Trâm (theo dõi trồng trọt và nghiên cứu thành phần hóa học, nghiên cứu tác dụng điều trị trên lâm sàng) và một người nữa chuyên nghiên cứu về phương pháp cấy mô, dưới sự đóng góp và chỉ đạo trực tiếp của giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi.

Về những hoạt động nghiên cứu này, tháng 10.1998, giáo sư Lợi đã từng phát biểu công khai tại cuộc tọa đàm ở TP.HCM rằng: “Đề tài nghiên cứu có quy mô rộng lớn, chi phí tốn kém nhưng trong gần 6 năm qua chủ yếu do chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm bỏ tiền cá nhân chi phí, như chi phí trồng trọt thử tác dụng lâm sàng, sản xuất thử… tốn kém hàng trăm triệu đồng. Đây là một số tiền không nhỏ, đề tài đang ở dạng triển khai, thiếu kinh phí sẽ là một khó khăn thực tế”.

Sự “lo xa” của giáo sư Lợi những năm đó không có gì khó hiểu vì tìm được một người bỏ tiền túi ra nghiên cứu khoa học như tiến sĩ Trâm, ai cũng biết là rất hiếm. Nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng lao vào tìm kiếm thuốc chữa ung bướu từ thực vật là tiến sĩ Trâm đã đi đúng hướng của thời đại, lại nhìn thấy một tương lai trước mắt về những khả năng kỳ diệu của Trinh nữ hoàng cung (TNHC) nên khó có trở lực nào cản được. Bà kể những năm đó, để yên tâm ra nước ngoài nghiên cứu, bà cần một người có chuyên môn về kỹ thuật trồng cây giống chăm sóc trang trại TNHC và đã chấp nhận trả lương 300 USD/tháng cho một người thân tín. Giáo sư Lợi biết rõ chuyện này nhưng đến khi Hội đồng Khoa học công bố tiến sĩ Trâm đã tìm ra 63 chất có trong cây TNHC thì…bi kịch tranh chấp vẫn xảy ra. Sự kiện ấy thậm chí đã làm xôn xao dư luận giới nghiên cứu khoa học. Tiến sĩ Trâm phải mất nhiều thời gian để chứng minh công trình nghiên cứu của bà. Ngay cả giáo sư Lợi và Hội đồng Khoa học cũng phải vào cuộc để “làm chứng” và minh oan cho bà vì thực tế, ai cũng biết bà đã phải mất nhiều năm để vượt qua những cái nhìn “thương hại” của đồng nghiệp và bạn bè, khi họ cho rằng: “Có điên mới theo đuổi nghiên cứu chỉ một loại thuốc, trong khi đó lại có thừa khả năng để nghiên cứu một loại khác”.

Bây giờ, khi đã có trong tay “bằng độc quyền giải pháp hữu ích”, tiến sĩ Trâm không kể lại câu chuyện buồn ấy nhưng qua những gì chúng tôi thu thập được, đặc biệt là lá thư của giáo sư Lợi gửi cho bà những năm đó, chúng tôi hiểu rằng cuộc tranh chấp xảy ra rất căng thẳng, bản thân là người “ở giữa” nhưng giáo sư Lợi cũng rất phiền lòng. Không dừng lại ở đó, việc “lộn xộn” ấy còn làm tổn hại đến cả… thanh danh TNHC ngay giữa thời kỳ cơn sốt thị trường đang lên đỉnh điểm. Còn gì buồn hơn khi “ông vua” của ngành dược liệu phải nói ra điều này: “Từ năm 1995, cô A. (do đương sự đã mất nên chúng tôi thay đổi tên và viết tắt – PV) có đề nghị sản xuất dạng trà TNHC sử dụng theo kinh nghiệm dân gian lấy danh nghĩa tên tôi, nhưng thực chất trong mấy năm sản xuất tôi chưa hề nhận một đồng nào của cô A. Tháng 4 năm 1998 để tiến hành thử lâm sàng tại Viện Y học dân tộc, tôi đề nghị cô A. làm mẫu thử cho tôi nhưng nhận thấy rằng mẫu thử không đạt, chất lượng không đồng nhất, trọng lượng gói không đều nhau, công thức 18 vị thuốc bổ thận của tôi cô A. đã sửa chữa nên tôi đã bỏ mẫu thử này không gửi cho Viện Y học dân tộc được và sau đó cô Trâm phải mang lá ra Viện Dược liệu Hà Nội để làm dạng trà thuốc hiện đang thử lâm sàng tại Viện Y học dân tộc TP.HCM. Từ tháng 4 năm 1998 tôi đã quyết định không đồng ý cho cô A. sử dụng tên của tôi nữa và dời phần sản xuất về phòng khám Tuệ Lãn; giao trách nhiệm cho cô Trâm phụ trách phần nghiên cứu sản xuất trà, thực hiện hợp đồng với Công ty Dược liệu Trung ương 2 từ năm 1994 và Công ty Dược liệu Trung ương 2 đã thành lập phân xưởng trà TNHC đang đưa vào dạng nghiên cứu sản xuất thử từ tháng 9.1998”.

Nhưng đó cũng chưa phải là “cửa ải” duy nhất trong cuộc hành trình đưa TNHC bước vào thế giới loài người của tiến sĩ Trâm. Sau một thời gian dài đưa nguyên liệu khô ra nước ngoài nghiên cứu, vào tháng 2.2000, bà và các cộng sự được Viện Hóa hữu cơ – Trung tâm Hóa Fitô thuộc Viện HLKH Bulgari cho phép chuyển về VN tổng cộng 696 mẫu, đựng trong 696 lọ để chuẩn bị cho việc nghiên cứu tiếp theo trong nước thì bị hải quan làm khó. Tiến sĩ Trâm kể: “Lúc đó, để dễ phân biệt, tôi bỏ những chất đã tìm được vào 696 lọ nhỏ, đủ màu sắc, rồi cho vào thùng, vận chuyển về nước. Mặc dù đã có giấy xác nhận của Viện HLKH, nhưng khi làm thủ tục xuất cảnh, tôi vẫn không được phép đưa thùng hàng này ra khỏi lãnh thổ Bulgari. Viện HLKH của bạn đã phải can thiệp để giải tỏa. Những tưởng mọi chuyện êm xuôi nhưng khi máy bay vừa đáp xuống sân bay Nội Bài, tôi lại phải vật lộn với các thủ tục, chó nghiệp vụ cũng được cho ngửi nhiều lần nhưng không xác định được chất gì nên hải quan giữ toàn bộ thùng hàng của tôi lại”. Lần đó, Bộ Y tế VN và Viện HLKH Bulgari phải gửi công văn, trực tiếp xác nhận những lọ mẫu tiến sĩ Trâm mang về “chỉ đơn thuần để nghiên cứu, không có tác dụng kích thích, không có tính chất thương mại” nhưng phải mất đứt hai tuần sau “tang vật” mới được giải tỏa ra.

Và kết cục là do để trong kho quá lâu, nhiệt độ không thích hợp nên cuối cùng nhiều lọ mẫu đã hư hỏng, phải đưa thẳng vào kho của Phytopharma để… làm kỷ niệm. “Kỷ niệm” ấy đã gây thiệt hại không nhỏ cho việc nghiên cứu của tiến sĩ Trâm và mặc dù đã 5 năm trôi qua nhưng bà vẫn quyết định… lưu giữ.