Quản lý trang trại Trinh nữ hoàng cung (TNHC) cho Tiến sĩ Trâm hiện nay là một chàng trai 30 tuổi tên Mạnh, độc thân, tốt nghiệp đại học ngành kinh tế ở Hà Nội. Mạnh đã ở đây 5 năm, “bốn lần xem hoa nở” và đến thời điểm này cũng đã “thuộc” hết những… thói hư tật xấu của các “nàng” mỗi khi thời tiết thay đổi.
Mạnh dặn chúng tôi: “Các anh viết gì cũng được, nhưng đừng đưa chỗ này lên báo, sợ nhiều người biết, đến xin lá cây làm hỏng vườn của em”. Tiến sĩ Trâm cũng có một điều kiện như vậy, nhưng theo bà thì cái chính là lo bị người khác đào trộm củ rồi đưa về những “môi trường không thích hợp”, lại thiếu kiến thức chăm sóc và thu hái… sẽ làm “tổn hại” uy tín của TNHC. Cũng vì lý do đó, bà không ngần ngại đưa chúng tôi tham quan hết các khu vực trồng những loài cây mà qua nghiên cứu, bà đã phát hiện không phải TNHC “chính hiệu” của VN.
Tiến sĩ Trâm tiết lộ hiện nay bà đã sưu tầm được 12 cây TNHC khác nhau, trong đó có một cây do người bạn của bà mang từ Campuchia về tặng, có công dụng hoàn toàn khác hẳn với TNHC ở VN. Bà nói, người bình thường chỉ có thể phân biệt được vào mùa chúng nở hoa nhưng không phải ai cũng biết chúng nở hoa vào thời điểm nào. Để phân biệt chính xác, Tiến sĩ Trâm phải dựa vào phân loại thực vật học và một phương pháp gọi là… kỹ thuật dấu vân tay! Có một điều bà luôn trăn trở khi tiếp xúc với chúng tôi là hiện nay, có nhiều người nghe truyền miệng nhau, đi hái những lá cây không rõ nguồn gốc về dùng, như vậy rất tai hại. Bà cho biết: “TNHC của Campuchia ngoài những công dụng tương tự như TNHC của VN, do tính chất thích nghi với thời tiết cả hai mùa mưa nắng nên nó cũng còn có thêm tác dụng tránh thai. Vì thế, những phụ nữ khi có dấu hiệu về u xơ tử cung nếu uống nhầm có thể dẫn đến vô sinh”.
Nhưng trong trang trại của Tiến sĩ Trâm hiện nay không chỉ hội tụ những “giai nhân” trong chốn hoàng cung. Ngoài các “nàng” còn có những “anh” mà hình hài cũng tương tự và các nhà khoa học cũng đã xác định thuộc “bộ náng” như: náng hoa đỏ (hay còn gọi náng lá gươm), náng hoa trắng… Tiến sĩ Trâm đã có một sự so sánh giữa TNHC và “náng hoa trắng” như sau: náng hoa trắng có thân hình trứng thuôn, lá dày hơn, màu xanh đậm hơn, hoa trắng. Về mặt vi phẫu: Mặt dưới sống lá của náng hoa trắng là một vòng cung đều đặn, đối xứng qua sống lá, mô khuyết rất to… Tiến sĩ Trâm lưu ý tình tiết này vì trong những “anh” thuộc “bộ náng” hiện nay có cây dân gian gọi là “đại tướng quân” chứa rất nhiều độc tính.(hiện Bộ Y tế đang cho nghiên cứu), nếu không may uống nhầm lá của nó, có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Cũng chưa hết, còn một “cô” khác cũng rất dễ nhầm lẫn với TNHC hiện nay đang mang một cái tên mỹ miều là “lan huệ”. Tiến sĩ Trâm nói: “So với TNHC thì lan huệ có hoa màu trắng xanh và thơm hơn, cánh hoa hẹp bản hơn. Nụ hoa lúc chưa nở thon dài, lá có màu xanh nhạt hơi vàng, thân thường ngắn và có màu đỏ”. Tất nhiên, lan huệ không thể có những hoạt tính tối ưu như TNHC.
Xác định đúng cây nhưng đất trồng, khí hậu, chế độ chăm sóc và hàng loạt những “bí quyết” kéo theo khác mà qua nhiều năm nghiên cứu, Tiến sĩ Trâm khẳng định rằng nếu không tuân thủ thì TNHC cũng chỉ là những cây hoa cảnh bình thường mà thôi. Bà nhiều lần nhấn mạnh với chúng tôi: “Loài thảo mộc này rất kén vùng trồng. Để nó phát huy tác dụng, chúng tôi phải đi từ hệ sinh thái. Bước đầu là phân tích thổ nhưỡng, xem trồng ở đâu thì mới có tác dụng ức chế tế bào ung bướu”.
Câu hỏi trồng ở đâu thì thực tế khi đồng ý cho chúng tôi thăm trang trại ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai là bà đã “gián tiếp” trả lời rồi. Nhưng ở đó, chúng tôi còn biết nhiều chuyện mà những tài liệu trước đây chúng tôi đọc đã “dạy” hoàn toàn khác. Chẳng hạn: một tài liệu của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật có nói rằng trồng TNHC thì đất “cần cày bừa kỹ, để ải, bón lót cho mỗi hecta 25 – 30 tấn phân chuồng, 500 kg supe lân, 300 kg sulfat kali”; Và sau khi trồng từ 40 – 45 ngày thì bắt đầu “bón thúc lần đầu, mỗi hecta dùng 50 kg urê pha loãng với nước, tưới xung quanh gốc. Đến tháng 6 – 7 đã có thể thu hoạch lá. Sau mỗi lần thu lá (khoảng 25 – 30 ngày) lại bón thúc thêm”…; hoặc “có thể trồng xe
n cây họ đậu, cỏ ngọt, kim tiền thảo hoặc cam, chanh, bưởi…”.
Trái lại, Tiến sĩ Trâm chẳng những không cho bất kỳ loại cây nào khác “chung đụng” với TNHC của bà mà còn “dị ứng” với tất cả các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. “Chúng tôi chỉ sử dụng duy nhất phân bò hoai, không dùng bất cứ loại phân bón hóa học nào khác” – bà khẳng định. Riêng vấn đề thu hái lá, bà cho biết: “Cây 3 năm tuổi mới bắt đầu thu hái vào tháng 4 đến tháng 9. Chọn những lá già, đầu lá có biểu hiện héo vàng. Luôn để lại trên cây 4 lá”. Ngay cả việc xử lý sâu bọ, đến thời điểm này bà cũng thà chấp nhận trả lương cao để công nhân mỗi ngày chăm chỉ vạch từng chiếc lá tìm, nếu phát hiện sâu ở lá nào thì cắt lá đó cho vào bao nilon, sau đó đưa ra khỏi vùng nguyên liệu và bỏ vôi vào tiêu diệt hàng loạt chứ không được… “đụng tay” đến.
TNHC sử dụng được cả củ, thân, hoa nhưng hiện nay Tiến sĩ Trâm cũng mới chỉ “đụng” đến lá. Và ngoài việc làm nguyên liệu khô sản xuất trà và viên Crila chữa bệnh, bà chưa dám sử dụng lá tươi vào mục đích nào khác vì chưa nghiên cứu. Hôm ghé thăm khu sơ chế của bà, chúng tôi cũng đã chứng kiến từng tốp công nhân ngồi thành hàng chăm chỉ… rửa từng chiếc lá, như rửa rau sạch để ăn. Những lá to thì họ xâu thành từng chuỗi dài bằng dây nhựa, sau đó đưa ra nắng phơi. Lá nhỏ thì xếp lên giàn bằng tre. Quản lý Mạnh than: “Mùa mưa này cực lắm, phải trông trời, nếu rớt hạt thì phải lập tức cuốn vô, không thì thối hết lá”. Mạnh kiểm tra rất kỹ, khi lá khô, tỏa ra một mùi thơm nhẹ thì mới cho công nhân đưa vào bao nilon để sấy khô, tán thành bột và đưa vào bồn chiết xuất tinh chất.