n thế giới có tác dụng đối vớCrila là viên thuốc đầu tiên trêi bệnh u xơ tử cung và là một trong ba viên thuốc điều trị Phì đại lành tính tuyến tiền liệt

Báo chí

Người khám phá bí mật Trinh Nữ Hoàng Cung Bài 5: CUỘC DI DÂN CHƯA TỪNG CÓ

02/06/2016

Các nhà khoa học phát hiện Trinh nữ hoàng cung có mặt ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia… Riêng ở Việt Nam thì không biết từ bao giờ, người dân đã thấy cây thuốc quý này mọc hoang ven suối trong rừng ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang và một số địa phương các tỉnh phía Nam. Nhưng chưa có ai làm cuộc “di dân” ồ ạt, đưa các “nàng” từ thân phận “đi hoang” hội tụ về một nơi được quản lý bằng “công nghệ sạch” thành công như tiến sĩ Trâm và những cộng sự của bà.

Vùng đất Cố đô vốn là nơi sản sinh ra nhiều thầy thuốc giỏi nên khi ngồi nghỉ chân tại một quán nước bên vệ đường, tiến sĩ Trâm tranh thủ hỏi chuyện với những người bà gặp. Thật may mắn, người chủ quán chính là cháu của ngự y giỏi thời trước. Nhưng do thời thế luân chuyển, người phụ nữ phải dựa vào cái quán nước để làm kế sinh nhai. Tiến sĩ Trâm kể: “Bác ấy tâm sự, ông cha thì ngự y đấy, nhưng mình không có nghề, đành ra bán nước, kiếm tiền sinh sống”. Nghe đến đó, bà liền hỏi tới: “Thế ông cha có để lại cho bác kiến thức gì về thuốc không?”. “Có, chúng tôi có một bài thuốc chữa u xơ tử cung và tuyến tiền liệt”.

Cơ duyên chỉ có thế, khi nắm bắt bài thuốc gia truyền của người đàn bà bán hàng nước và nhận diện được một loài cây có tên “Trinh nữ hoàng cung” (mà người dân địa phương ở Huế gọi là cây “Tỏi lơi”), tiến sĩ Trâm liền đi tìm mua lá tươi và củ giống. Lá tươi để nghiên cứu ngay còn củ giống để trồng. Nhưng sau nhiều ngày lặn lội ở Huế, cuối cùng bà cũng chỉ mua được một ít lá tươi và đúng… hai củ giống. Bà hào phóng tặng cho người bạn thân một củ, củ còn lại giao phó cho đức lang quân. Nhưng người bạn kia cho rằng “không thể chữa được khối u từ một loại cây vớ vẩn này” nên đã vứt đi…

Sau 3 năm chăm bón, củ Trinh nữ hoàng cung do chồng của tiến sĩ Trâm chăm sóc đã “hạ sinh” 4 củ con. Bà kể, những ngày đầu, bà cắt lá cây mẹ, rửa, phơi khô, sấy, tán thành bột rồi làm một số thủ tục để xin phép Bộ Y tế và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) để đưa Trinh nữ hoàng cung ra nước ngoài nghiên cứu, vì việc này liên quan đến bảo mật quốc gia. “Đưa vào cửa khẩu của nước bạn rất khó, người ta đòi giữ lại kiểm tra, mình sợ hỏng nên phải cầu cứu Viện Hàn lâm ra đón và xác nhận cho mình là đưa qua để nghiên cứu”, bà kể. Sau khi có kết quả nghiên cứu nguyên liệu khô, bà tiếp tục về nước và đưa sang Bulgaria một số củ con để trồng và nghiên cứu dựa trên nguyên liệu tươi, để tìm kết quả so sánh. Do khí hậu không thích hợp, các củ Trinh nữ hoàng cung được bà mang sang đợt đó lần lượt chết đi, nhưng rất may mắn là chúng kịp để lại cho bà một số phát hiện có ý nghĩa mấu chốt. Từ kết quả đó, bà trở về nước và làm một cuộc “càn quét”, mua sạch những cây giống. Nơi nào nghe nói có cây Trinh nữ hoàng cung là ở đó có dấu chân của bà. Những củ giống mua từ Đà Nẵng được bà đưa về trồng ở Trị An (Đồng Nai), do kĩ sư hóa Mai Thị Năm chăm sóc. Những cây lấy từ Huế được bàn tay của thiếu tá hải quân Nguyễn Văn Khầu “nuôi dưỡng” tại một vùng ven sân bay Nha Trang (Khánh Hòa). Còn giống mua được ở Nha Trang thì bà đưa thẳng về khu khuôn viên 97 Quang Trung (vườn dược liệu của Công ty Dược phẩm trung ương 2 ở Q.Gò Vấp, TP.HCM), giao cho một cộng sự trong nhóm nghiên cứu của giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi lúc đó chăm sóc.

Tiến sĩ Trâm kể: “Để có nguồn giống chính xác và nguyên liệu ổn định cho quá trình nghiên cứu và sản xuất các loại thuốc sau này, chúng tôi đã phải bắt đầu một cuộc khảo sát thực vật, nuôi trồng và thu hái Trinh nữ hoàng cung một cách khoa học ngay từ đầu. Chúng tôi nghiên cứu phân biệt cây Trinh nữ hoàng cung và các cây thuộc loài náng lá rộng có ở Việt Nam; nghiên cứu chọn giống, đất, phân bón, khí hậu và nguồn nước; nghiên cứu sự sinh trưởng và phát triển của cây như sự biến đổi về độ dài, trọng lượng lá, đường kính và trọng lượng củ; thu hái lá và chọn thời gian thu hái lá có hàm lượng alcaloid lớn nhất và tại thời điểm cây có chứa những loại chất kháng u”.

Sau này, khi phát hiện ra vùng đất Long Thành (tỉnh Đồng Nai) mới thực sự là “đất vàng” cho Trinh nữ hoàng cung, tiến sĩ Trâm lập tức thu gom tất cả “các nàng” đưa về “an cư”, chấm dứt cuộc hành trình nhiều tìm kiếm. Một phát hiện thú vị của bà trong thời gian này là từ Đà Nẵng trở vào thì Trinh nữ hoàng cung mới có tính năng chữa bệnh còn từ Đà Nẵng trở ra, nói như bà thì… chỉ trồng để làm cảnh!

So với các loài cây thảo dược khác thì Trinh nữ hoàng cung trưởng thành muộn hơn. Mãi đến 3 tuổi, “các nàng” mới có thể sinh nở. Mà mỗi lần cũng chỉ cho chào đời được 4 củ con. Và đến lúc nào mới được tách các củ con ra để trồng cây mới… thì giờ đây tiến sĩ Trâm đã quá rành. Vốn xuất thân trong một gia đình Nho giáo, không hề biết gì về làm nông, nhưng khi “sống” với Trinh nữ hoàng cung, bà buộc phải trở thành một người làm nông nghiệp cực giỏi. Bà kể: “Kiến thức nông nghiệp mình không có thì phải học qua sách vở, bạn bè, phải qua kinh nghiệm thực tế. Trinh nữ hoàng cung thuộc họ Thủy tiên, nên phải xem nó thích nghi nước, phân bón ra sao và tự định cho mình một hướng nghiên cứu”. Một lần, khi lên thăm vườn giống, bà thấy lá của Trinh nữ hoàng cung cứ đua nhau vàng rộ rồi lụy dần… Bà buồn bã khi nhìn thấy những “đứa con” của mình ngày càng èo uột, mất dần sự sống. Sau nhiều đêm trăn trở, bà quyết định đào củ chúng lên và từ đó lại khám phá thêm một chi tiết bí mật mới về các “nàng”… đỏng đảnh này.

Hôm về thăm “cung” 10 hec-ta của bà dành cho các “trinh nữ”, thấy từng tốp công nhân cặm cụi vạch từng chiếc lá bắt sâu, chúng tôi buột miệng hỏi sao không phun thuốc diệt thì tiến sĩ Trâm cười, bảo: “Nếu thế thì đâu còn là nguyên liệu sạch, nguyên liệu không sạch thì viên thuốc cũng không an toàn. Chúng tôi sẽ kết hợp với tiến sĩ khoa học Nguyễn Công Hào để nghiên cứu cách cho sâu cái tiết ra mùi thơm để gọi sâu đực về, lúc đó công nhân dễ bắt chúng hơn”.

Đưa chúng tôi len qua những luống Trinh nữ hoàng cung vừa được thu hái lá, bà nói: “Bây giờ, tôi đã hiểu nó như con mình, như lòng bàn tay của mình”. “Nó cũng giống như cơ thể con người. Khi nó ốm đau, bệnh tật, sâu bệnh thì còi cọc không phát triển được, thiếu hoạt chất mình cần. Nhưng nếu chăm bón quá mức, nó trở thành béo phì thì cũng mất chức năng chữa bệnh”, bà nói thêm.