n thế giới có tác dụng đối vớCrila là viên thuốc đầu tiên trêi bệnh u xơ tử cung và là một trong ba viên thuốc điều trị Phì đại lành tính tuyến tiền liệt

Báo chí

Người khám phá bí mật Trinh Nữ Hoàng Cung Bài 4: KHÔNG CÓ DUYÊN VỚI HOA HỒNG

02/06/2016

Ước mơ đi tìm một cây thuốc trong dân gian từ họ hoa hồng để giúp chị em phụ nữ tránh thai tuy không thành hiện thực, nhưng chính khát vọng nghiên cứu khoa học cháy bỏng từ những năm mới ra trường ấy đã dẫn dắt cô con gái cưng của ông cựu Tổng biên tập Tự điển Bách khoa toàn thư đến với Trinh nữ hoàng cung.

Ngày 18.8.2005, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố quyết định số A8994/QĐ-ĐK về việc cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho công trình “Thuốc chữa bệnh u xơ tuyến tiền liệt bào chế từ các alcaloit được chiết xuất từ lá cây Trinh nữ hoàng cung Việt Nam (Crinum latifolium L.) và phương pháp bào chế” của tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm. Để bạn đọc hiểu thêm về quá trình “chuyển hóa” từ cây Trinh nữ hoàng cung thành những viên Crila ngày nay, trong bài viết này chúng tôi xin đi sâu một chút về cuộc đời tiến sĩ Trâm, người phụ nữ vừa được Vụ Khoa học – Đào tạo (Bộ Y tế) đề cử nhận giải thưởng Nikkei Asia năm 2005 vì đã có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở châu Á.

Chúng tôi phải “đi đường vòng” tìm trong tài liệu và lịch sử vì thú thực, hỏi chuyện đời tư của tiến sĩ Trâm khó hơn chuyện nghiên cứu khoa học của bà. Trong nhiều cuộc tiếp xúc với bà, ở cơ quan và nhà riêng, trong giờ làm việc và buổi tối, dường như lúc nào nói “chuyện cá nhân” vài ba câu thì bà cũng… lạc đề sang chuyện khoa học. Và bà vẫn nghĩ mọi chuyện hôm nay đều xuất phát từ người cha đáng kính của bà. Thấy trên bàn làm việc của bà có quyển Người trí thức quê hương (tập 2, tác giả Hàm Châu, Nhà xuất bản Giáo dục), chúng tôi tò mò mở xem thì bắt gặp mấy dòng chữ viết tay: “Trâm, con đọc bài viết về bố, trang 332 đến 362. Con cố gắng đóng góp vào các sáng chế”. Đó là những tình cảm mà giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Trương, nguyên Tổng biên tập Tự điển Bách khoa toàn thư Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu sinh thái gửi cho tiến sĩ Trâm ngày 25.7.2005, sau khi biết tin viên Crila – công trình nghiên cứu ròng rã gần 15 năm qua của con gái ông được Nhà nước chính thức thừa nhận và cho phép lưu hành. Giáo sư Trương sinh năm 1922, là người cùng làng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vợ ông là Nguyễn Thị Đạm (đã mất), là chắt đời thứ tư của nhà thơ Nguyễn Công Trứ.

Tiến sĩ Trâm giờ đã là Giám đốc một trung tâm nghiên cứu, phát triển, sản xuất dược phẩm CRINA trực thuộc Phytopharma nhưng vẫn sống giản dị trong một ngôi nhà cũ, chỉ có gác lửng và những kệ sách cùng các tài liệu nghiên cứu ở đường Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM. Phu quân của bà là một giảng viên đại học về hưu, cũng “nghiện” sách báo và yêu khoa học giống như bà. Tiến sĩ Trâm kể, từ khi bà tốt nghiệp đại học, trở thành dược sĩ thì mỗi lần gặp cha, bà thường nghe ông nói: “Con ạ, tại sao mình có nhiều cây thuốc thế, dược sĩ của mình nhiều thế mà cứ phải đi mua thuốc của nước ngoài. Con phải xem, làm thế nào để làm ra một viên thuốc từ dược liệu Việt Nam”. Câu nói đó như một lời ủy thác và cũng là mệnh lệnh của một con người có tầm nhìn lớn, khiến bà lúc nào cũng ám ảnh về trách nhiệm của mình đối với nền y học dân tộc. “Khi về làm công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tôi có ý tưởng sẽ đi tìm một loại cây thuộc họ hoa hồng để làm thuốc dựa theo kinh nghiệm dân gian, nhưng chưa có cơ hội thì đến năm 1984, tôi tham gia kỳ thi tuyển chọn nghiên cứu sinh toàn quốc ngành dược và đạt điểm xuất sắc, được ra nước ngoài” – bà kể. Đó là cơ hội thứ hai để bà thực hiện niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình vì trước đó một lần, bà được cử đi học ở Thụy Điển nhưng lúc đó… con còn quá nhỏ, đành phải hy sinh sự nghiệp cho gia đình. Lần này, con đầu lên 8 tuổi và đứa thứ hai cũng đã hơn 6 tuổi, bà không thể không nắm lấy cơ hội.

Năm 1985, bà sang Bulgari làm luận án tiến sĩ hóa học nhưng phải chọn đề tài nghiên cứu tinh dầu vì “người thầy của tôi rất uyên bác về lĩnh vực này”. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ đạt kết quả xuất sắc, bà được giữ lại làm trợ giảng cho khoa Hóa hữu cơ – Trường Đại học Kỹ thuật Sophia, Bungari. Những năm tháng ở trên đất bạn, bà làm Bí thư chi bộ Đảng khối văn hóa nhiều nhiệm kỳ liền, cùng thời với diễn viên điện ảnh Trần Lực (nay là đạo diễn), nghệ sĩ Kim Cương…

Nhưng đấy cũng là thời kỳ vất vả nhất đối với cô nữ sinh Trưng Vương (Hà Nội) ngày nào vì ngoài công tác trợ giảng để kiếm tiền chi phí, bà phải chạy theo những ước mơ nghiên cứu khoa học vốn đã cháy bỏng từ khi còn là một nữ dược sĩ “đi tìm hoa hồng” trong nước. Bà làm thêm ở các viện hàn lâm khoa học của Áo, Đức và Bungari, tham gia vào nhóm nghiên cứu hóa hợp chất thiên nhiên để sản xuất thuốc chữa bệnh với vai trò là người “nghiên cứu mảng châu Á” nên càng có điều kiện hơn để tiếp cận những cây dược liệu quý ở các nước trong khu vực. Và năm 1990, bà tới Huế, như một duyên tiền định, bà gặp được “Trinh nữ hoàng cung”.