n thế giới có tác dụng đối vớCrila là viên thuốc đầu tiên trêi bệnh u xơ tử cung và là một trong ba viên thuốc điều trị Phì đại lành tính tuyến tiền liệt

Báo chí

Người khám phá bí mật Trinh Nữ Hoàng Cung Bài 2: CUỘC CHẠY ĐUA CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC

02/06/2016

Mặc dù có nhiều cơ quan khoa học và các nhà nghiên cứu Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua đã tập trung nghiên cứu “hiện tượng Trinh nữ hoàng cung” dưới nhiều góc độ. Nhưng trước khi những viên Crila được phép lưu hành thì vẫn chưa có ai đưa ra được những công bố đầy đủ về tác dụng điều trị bệnh u bướu của cây thuốc quý này.

Cuối năm 1998, Tuần báo Khoa học Phổ thông – với vai trò là diễn đàn của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM đã phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM đứng ra tổ chức một cuộc tọa đàm với tiêu đề: “Đã có những nghiên cứu gì về cây Trinh nữ hoàng cung?” nhằm tập hợp ý kiến của đông đảo các nhà khoa học tên tuổi, các lương y và các bác sĩ từng có “quan hệ” với những “nàng” Trinh nữ hoàng cung để giải cơn khát thông tin trong dư luận đồng thời gián tiếp “đặt hàng” những nhà khoa học tâm huyết trong nước vào cuộc nghiên cứu.

Ngay khi diễn ra sự kiện đó, “ông vua” của ngành dược liệu Việt Nam – giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi đã làm chấn động giới khoa học trong nước khi công khai tiết lộ những thông tin “lộn xộn” về những sản phẩm Trinh nữ hoàng cung được sản xuất “núp bóng” tên tuổi của ông để đưa đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bài tham luận của mình tại tọa đàm, giáo sư Lợi còn nói nhiều về công cán của một nhà khoa học nữ không có mặt trong nước, là tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm, nhưng báo giới lúc bấy giờ dường như chưa để ý lắm bởi người phụ nữ ấy không về kịp để phát biểu trên diễn đàn.

Hai năm sau, phóng viên Ngọc Phương, một “chuyên gia” về “Trinh nữ hoàng cung” của tuần báo trên tiếp tục thực hiện một bài ghi nhận về những diễn biến mới của cây thuốc này, cập nhật nhiều chi tiết từ… thị trường đến các phòng thí nghiệm. Trong đó, tác giả đánh giá cao công trình bảo vệ luận án tiến sĩ của một cán bộ giảng dạy ở trường ĐH Y – dược TP.HCM là tiến sĩ Võ Thị Bạch Huệ, công trình của nhóm nghiên cứu do giáo sư tiến sĩ Nguyễn Công Hào ở Viện sinh học nhiệt đới, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Trần Thị Việt Hoa ở bộ môn Tổng hợp hữu cơ thuộc khoa Công nghệ Hóa học và Dầu khí (Đại học Kỹ thuật TP.HCM)… và ghi nhận một số thông tin ban đầu về những công bố dè dặt tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm ở Công ty Dược liệu Trung ương 2.

Nhưng “chốt lại vấn đề”, ở thời điểm đó ai cũng hiểu là để có một “visa” minh bạch, đầy đủ tính pháp lý cho “Trinh nữ hoàng cung” tìm được chỗ đứng trong thị trường dược Việt Nam thì mọi chuyện vẫn còn… ở phía trước. Chính tác giả Ngọc Phương trong bài báo nói trên cũng chỉ có thể hy vọng: “Có lẽ trong một tương lai không xa, chế phẩm thuốc từ Trinh nữ hoàng cung sẽ chính thức ra đời, đáp ứng sự mong mỏi của mọi người. Đây sẽ là kết quả lớn của ngành dược và y học cổ truyền Việt Nam”.

Rồi cơn sốt “Trinh nữ hoàng cung” cũng dịu xuống. Người dân khi có nhu cầu vẫn phải “theo lối mòn xưa” hỏi thăm nhau tìm xin lá cây về sắc uống theo các bài thuốc truyền miệng của những lương y vườn hoặc tìm mua lá khô được “sơ chế” sẵn, có bán tại các khu chợ dược liệu trên địa bàn Q.5, TP.HCM. Một số người khác thì uống những sản phẩm trà “Trinh nữ hoàng cung” mà những nhà sản xuất lúc đó cũng chỉ dám “khoe khoang” rằng có khả năng “tăng sức đề kháng của cơ thể, cải thiện, phòng ngừa các bệnh tuyến tiền liệt, tiểu tiện khó ở nam giới và điều hòa khí huyết ở nữ giới”.

Ít ai biết rằng trước đó nhiều năm, ở một phòng thí nghiệm của Viện Hàn lâm Bulgaria, tiến sĩ hóa học Nguyễn Thị Ngọc Trâm, một người phụ nữ quê xứ Nghệ cùng với các đồng nghiệp nước ngoài của bà đã phải… phát khóc lên vì những phát hiện mới về “Trinh nữ hoàng cung” mà điều kiện trong nước chưa cho phép tiến hành thử nghiệm được. Và đến cuối tháng 7 năm nay, “đứa con tinh thần” sau gần 15 năm “thai nghén” của người phụ nữ nhiều nghị lực đó đã chính thức được Bộ Y tế cho phép lưu hành, bằng quyết định số 135/QĐ-QLD ngày 21.7.2005 về việc “công bố 388 tên thuốc sản xuất trong nước được phép lưu hành tại Việt Nam”, do Cục trưởng Cục Quản lý dược, tiến sĩ Cao Minh Quang ký. Trong danh mục kèm theo quyết định nói trên, “Trinh nữ hoàng cung” đã… “hóa thân” thành thuốc Crila, một dạng viên nang được xếp thứ 19 theo thứ tự, là sản phẩm của Công ty cổ phần dược liệu trung ương 2 (Phytopharma), địa chỉ đăng ký tại số 124/59 Xóm Đất, P.8, Q.11, TP.HCM. Về quy cách đóng gói, Crila có hộp 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên nang và hộp 4 chai, mỗi chai 40 viên nang; số đăng ký là VNB – 3391 – 05.

Những “thông số hiện đại” lần đầu tiên xuất hiện để đưa “Trinh nữ hoàng cung” từ một bài thuốc dân dã cổ truyền trở thành một viên tân dược chính hiệu có tên thương mại là Crila, với đầy đủ “tư cách pháp lý”… cũng là cả một chặng dài trăn trở của tiến sĩ Trâm và những cộng sự của bà hiện nay ở Phytopharma; mặc dù dân gian từ lâu đã chấp nhận “Trinh nữ hoàng cung” như là vị cứu tinh cho cả các chứng u tuyến vú, u xơ tử cung… ở phụ nữ. Và trong thực tế, một đề tài nghiên cứu cấp bộ mang tên “Đánh giá hiệu quả, độ an toàn và khả năng chấp nhận thuốc Trinh nữ hoàng cung trong điều trị u xơ tử cung” lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam do phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Đức Vy cùng các cộng sự của ông tại Bệnh viện phụ sản Trung ương đã thử nghiệm lâm sàng trên 50 người bệnh và đạt kết quả gần 70%, được Hội đồng Khoa học công nghệ nghiệm thu hồi cuối tháng 6.2005. Nhưng đến thời điểm này, thuốc viên Crila cũng chỉ mới “dám” đưa ra chỉ định trên bao bì: “Điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Giảm các triệu chứng của bệnh phì đại lành tuyến tiền liệt (đi tiểu khó, đi tiểu nhiều lần vào ban đêm)”; với liều dùng: ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 viên, sau bữa ăn. Thường dùng là 8 tuần.

Một chi tiết cũng cần lưu ý thêm là theo quyết định trên của Cục Quản lý dược, viên Crila hiện nay được xếp vào loại thuốc có “thời hạn visa” lâu nhất, là 5 năm kể từ ngày cấp trong khi các visa khác thường chỉ có giá trị trong 6 tháng hoặc một năm.

VÕ KHỐI – BẢO THIÊN