“Cuộc đời mỗi con người đều như một dòng sông không bao giờ phẳng lặng”. Sống giữa cuộc đời ai cũng phải trải qua những cung bậc thăng trầm của cảm xúc vui, buồn, hạnh phúc. Mọi thành công dù ít hay nhiều đều phải có sự lỗ lực không ngừng. Để đạt được mục đích cuối cùng không chỉ có thuận lợi mà còn có nhiều khó khăn.Tiến Sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm – Giám Đốc Công ty TNHH Thiên Dược – người đã nghiên cứu và bào chế thành công viên thuốc Crila từ cây Trinh nữ hoàng cung để điều trị bệnh u xơ tử cung và phì đại lành tính tuyến tiền liệt (u xơ tuyến tiền liệt), cuộc hành trình không mệt mỏi vì một niềm đam mê khoa học đã đưa đến thành công cho bà là tạo ra được viên thuốc Crila- viên thuốc đầu tiên trên thế giới điều trị u xơ tử cung đi từ dược thảo và là một trong ba viên thuốc điều trị u phì đại lành tính tuyến tiền liệt đang có mặt trên thị trường thế giới.Giờ đây, nhìn lại những chặng đường mà bà đã trải qua cũng để lại cho chúng ta một điều gì đó để kính trọng và cảm phục.
BÀI HỌC ĐẦU TIÊN
Sinh ra ở xứ Nghệ, trong một gia đình nho giáo, cha là GS. TSKH. Anh hùng lao động Nguyễn Văn Trương- nguyên tổng biên tập Bách khoa toàn thư Việt Nam, Viện trưởng Viện Kinh Tế Sinh Thái, mẹ là hậu duệ của nhà thơ Nguyễn Công Trứ. Cũng vì vậy TS Trâm đã được thừa hưởng truyền thống hiếu học và sự thông minh từ phía dòng tộc.
Tấm gương về người cha luôn say mê với những công trình nghiên cứu, cộng với những bài học vỡ lòng đầu tiên trong những câu chuyện kể của cha về các nhà khoa học, đã hình thành và nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong bà. Dần dần, niềm đam mê ấy trở thành khát vọng cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học trong bà. Đối với TS Trâm, cha không chỉ là một người cha thương con hết mực mà còn là một nhà khoa học, một người thầy luôn tận tâm, tận tình chỉ dẫn cho các con tiếp cận với ánh sáng của tri thức khoa học nhân loại.
Cho đến tận bây giờ, TS Trâm vẫn luôn nhớ lời dạy của cha: “Con ạ, tại sao Việt Nam mình có nhiều cây thuốc, người Việt Nam lại thông minh không thua kém gì các nước trên trên thế giới nhưng vì sao cứ phải đi nhập khẩu thuốc của nước ngoài. Con cố gắng nghiên cứu và tạo ra được một vài viên thuốc từ dược thảo Việt Nam”. Câu nói đó như một lời ủy thác và cũng như mệnh lệnh, khiến bà lúc nào cũng mang trong mình lời dạy của cha và chính điều đó đã làm cho bà thấy mình có trách nhiệm với nền y học nước nhà. Đó cũng chính là bài học đầu tiên mà người cha vĩ đại dạy cho con về tình yêu thương quê hương, đất nước và con người Việt Nam.
BƯỚC ĐƯỜNG NGHIÊN CỨU
Từ những bài học đầu tiên trong chuyện kể của cha, TS Trâm đã ước mơ làm điều gì đó có ích cho con người. Từ ước mơ đó, bà đã không ngừng học tập, nghiên cứu dược liệu Việt Nam. Khi mới tốt nghiệp đại học bà đã nghiên cứu về cây húng chanh và đã tạo ra sản phẩm Siro ho cho trẻ em được bào chế từ tinh dầu của cây húng chanh, hiệu quả điều trị tốt.
Năm 1984, bà đã trúng tuyển kỳ thi nghiên cứu sinh toàn quốc và được cử sang nghiên cứu tại Bulgari với đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học của tinh dầu thảo quả Việt Nam”và bà đã tìm ra 42 chất có trong tinh dầu thảo quả và một chất có thể được ứng dụng trong công nghệ mỹ phẩm. Do vậy, Hội đồng khoa học đã đánh giá công trình đó là xuất sắc và bà đã trở thành cộng tác viên khoa học của Viện hàn lâm khoa học Bulgari
Những năm tháng ở trên đất bạn là thời kỳ vất vả nhất đối với bà vì vừa phải xa gia đình, xa chồng và con, vừa phải làm việc để có tài chính cho cuộc sống. Thiếu thốn mọi bề, khó khăn là thế vẫn không làm vơi đi lòng say mê nghiên cứu trong bà. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, bà vẫn luôn kiên định một lòng cho ước mơ khoa học.
Năm 1990, trên cuộc hành trình miệt mài tìm kiếm các dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên điều trị bệnh khối u, như duyên trời đã định, bà gặp được cây Trinh nữ hoàng cung ở Huế. Đó là một cây thuốc được lưu truyền trong dân gian mà tài liệu nghiên cứu về nó còn quá ít nhưng bà vẫn quyết tâm nghiên cứu cây thuốc này dựa trên kết quả nghiên cứu và sàng lọc về khả năng chữa trị các bệnh khối u của cây Trinh nữ hoàng cung Việt Nam.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, mãi đến năm 1998 kết quả nghiên cứu đầu tiên trong sự nghiệp nghiên cứu của bà về cây Trinh nữ hoàng cung đã được thể hiện khi các chất chiết từ cây Trinh nữ hoàng cung có khả năng kích thích hệ miễn dịch, ngăn ngừa sự tạo mạch của các tế bào khối u thể hiện rất rõ các tế bào Lympho T hoạt động và phát triển mạnh sau khi động vật thí nghiệm được uống các chất chiết từ cây Trinh nữ hoàng cung . Kết quả đó là tín hiệu đầu tiên để bà quyêt tâm nghiên cứu cây thuốc này.
Bà xác định mục tiêu của mình là phải tạo ra một viên thuốc từ cây trinh nữ hoàng cung điều trị bệnh khối u, có thể là u lành tính hay ác tính còn phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu lâm sàng sau này. Nhưng bà vẫn có một niềm tin chắc chắn sẽ tạo ra được một viên thuốc chữa trị bệnh khối u từ cây Trinh nữ hoàng cung Việt Nam. Từ quyết tâm và niềm tin này bà đã tập trung nghiên cứu cây thuốc Trinh nữ hoàng cung Việt nam với sự giúp đỡ của các cộng sự trong và ngoài nước với một nguồn tài chính tự có của bà và từ nguồn kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học.Từ năm 1990 đến nay, cây Trinh nữ hoàng cung đã được nghiên cứu về thực vật, nuôi trồng, thu hái, nghiên cứu gen, nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng sinh học, nghiên cứu độc tính dược lý, nghiên cứu chiết xuất, bào chế, lâm sàng và mãi cho đến cuối tháng 7 năm năm 2005, vượt qua biết bao sóng gió gian nan, đứa con tinh thần-viên nang Crila- sau 15 năm thai nghén của người phụ nữ nhiều nghị lực đó đã chính thức được Bộ Y tế cho phép lưu hành với số đăng ký là VNB – 3391 – 05 (được sản xuất tại Trung tâm nghiên cứu phát triển dược phẩm Crina do TS Trâm làm giám đốc ) dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học theo quy chế 371 của Bộ y tế, viên nang Crila đã chứng minh hiệu quả điều trị u phì đại lành tính tuyến tiền liệt đạt 89,18% và điều trị u xơ tử cung đạt 79,5%.
Hiện nay TS Trâm đã nghỉ hưu và thành lập Công ty TNHH Thiên Dược. Viên Crila được Cục quản lý dược Bộ y tế cho phép Công ty Thiên dược sản xuất tại nhà máy của công ty đạt tiêu chuẩn GMP,GSP,GLP với số đăng ký V1167-H12-10. Từ những kết quả nghiên cứu trên ngày 18/8/2005 bà đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho công trình “Thuốc chữa bệnh u xơ tuyến tiền liệt bào chế từ các alcaloid được chiết xuất từ lá cây Trinh nữ hoàng cung Việt Nam (Crinum latifolium L.) và phương pháp bào chế” và ngày 21 tháng 2 năm 2008 Cục bản quyền tác giả (Bộ văn hóa thể thao và Du lịch) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho công trình của bà “Nghiên cứu đa hình di truyền tập đoàn các giống trinh nữ hoàng cung (7 giống) và phát hiện đặc tính di truyền riêng biệt của cây trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium L.) có ở Việt Nam là nguyên liệu sản xuất thuốc Crila”. Từ những kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học của bà năm 2007 bà đã vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng vinh danh cho tổ chức và cá nhân có nhiều đóng góp cho nghiên cứu khoa học tự nhiên và y khoa.
Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng: cuộc sống ngày càng hiện đại, con người ngày càng dễ mắc những bệnh lạ và hiểm nghèo. Riêng về bệnh tuyến tiền liệt, hằng năm, có khoảng 11,7 triệu người ở Mỹ phải cầu cứu bác sĩ, trong đó có khoảng 400.000 bệnh nhân phải phẫu thuật. Ở những nước đang phát triển, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng. Riêng ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới trên độ tuổi 50 là 63,8%.Tỷ lệ phụ nữ bị u xơ tử cung ở Việt Nam hiện nay cũng được coi là khá cao, riêng Bệnh viện Phụ sản trung ương mỗi năm phải tiến hành phẫu thuật khoảng 1.000 trường hợp, tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho khoảng vài ngàn trường hợp khác. Sự xuất hiện của Crila chính là cứu tinh kỳ diệu cho những bệnh nhân này.
Để có thể đến đích một cách vẻ vang như ngày hôm nay, TS Trâm phải mất ròng rã gần hai mươi năm với bao gian nan, thách thức. Nhưng nhờ có lập trường kiên định và xác định mục tiêu nghiên cứu rõ ràng, bà đã thành công.
HẠNH PHÚC TỪ NHỮNG KHÓ KHĂN
Bước đường thành công không được trải bằng những hoa hồng. Có được thành công như ngày hôm nay, TS Trâm đã phải xa gia đình, xa chồng, xa con. Những năm tháng ở Bulgari không lúc nào bà không nhớ đến những kỷ niệm ngày lên đường sang Bulgari để nghiên cứu. TS Trâm kể lại: “Những đêm miền Bắc rét căm căm, hai con gái của tôi cháu lớn 7 tuổi cháu nhỏ 5 tuổi, tôi được cơ quan cử đi thi tuyển quốc gia kỳ thi tuyển chọn nghiên cứu sinh toàn quốc năm 1984. Vì vừa phải làm việc, vừa phải học thi nên tôi thường học rất khuya đến tận 12 giờ đêm , có lúc con gái lớn thức giấc cháu hỏi “mẹ ơi, sao mẹ không ngủ?”, tôi trả lời cháu “mẹ phải học để đi thi”. Cũng vì câu trả lời này đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho cháu. Khi tôi trúng tuyển và sang Bulgari nghiên cứu, tại sân bay Nội Bài cháu thứ hai khóc vì nhớ mẹ, cháu đầu của tôi nói với em:“em đừng khóc, em khóc mẹ sẽ không yên tâm học, ông sẽ mắng, sẽ buồn” và tôi đã phải gạt nước mắt ra đi”
Mỗi khi nhớ lại hình ảnh mấy chục năm về trước tôi vẫn còn bùi ngùi. Sau này các cháu lớn lên rất ngoan và chăm học có lẽ cũng vì ấn tượng về hình ảnh của người mẹ học nhiều nên các con cũng phải chăm học. Các con tôi phải thiệt thòi xa mẹ, chồng tôi phải thay tôi chăm sóc các con mà con gái cần có mẹ để tâm sự nhưng chồng tôi đã phải thay tôi làm những việc đó. Để có được thành công như ngày hôm nay phải có sự giúp đỡ của cha mẹ, chồng con, anh chị em, bạn bè và các cộng sự khoa học.
Tôi đã thực hiện được mục đích nghiên cứu và tạo ra được sản phẩm thuốc phục vụ sức khỏe người bệnh. Đó là hạnh phúc lớn lao nhất mà mọi người đã giúp đỡ, hỗ trợ tôi, bởi vì những người thân của tôi cũng như các cộng sự khoa học có ước nguyện giống như tôi nên mọi người đã đem hết tâm huyết giúp đỡ tôi đi đến thành công.
Trên những chặng đường đã qua, TS Trâm đã gặp rất nhiều khó khăn, điều làm cho bà vượt qua được chính là niềm tin và nhân tố đó được bắt nguồn từ cơ sở khoa học của các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở viện hàn lâm Bulgari, Áo và Việt Nam. Bà tin tưởng rằng những khó khăn trước mắt rồi sẽ vượt qua. Từ năm 1990 đến nay, bà gặp không ít khó khăn về tài chính và cả những khó khăn gặp phải do nhận thức của một số nhà khoa học chưa tin tưởng vào khả năng chữa bệnh khối u của dược thảo mà chỉ tin tưởng vào các thuốc tổng hợp hóa học (tân dược) mặc dù trên thế giới họ đã quay trở về với tự nhiên và đã tìm được một số sản phẩm thuốc điều trị ung thư được sản xuất từ các chất có hoạt tính sinh học như: Taxol, TaxoTère từ cây thông đỏ – Taxus baccata ,Ellipticine từ cây ochrosia elliptica labill, Vniblastine, Vnicristnie từ dừa cạn – catharanthus rosen G.Dou, Colchicine, colchamin từ cây tỏi độc – Colchicum autamnale, Camptothecine từ cây camptotheca acuminata Decne.
Khi viên nang Crila có quyết định của Bộ y tế thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện phụ sản TW Việt Nam, một nữ tiến sĩ đã nói trong hội đồng “Nếu Crila chữa được bệnh u xơ tử cung thì là thuốc tiên”. Sau khi thử nghiệm lâm sàng với hiệu quả điều trị đạt 79,5% và rất an toàn, các đồng nghiệp của nữ tiến sĩ trên đã nói với với nữ tiến sĩ đó: “ đúng là thuốc tiên chị ạ”. Khó khăn thì nhiều, để viên thuốc Crila ra đời đã phải trải qua 24 lần qua các hội đồng khoa học trong nước để thông qua các nội dung: nghiên cứu về thực vật, nuôi trồng, thu hái, nghiên cứu gen, nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng sinh học, nghiên cứu độc tính dược lý, nghiên cứu chiết xuất, bào chế, lâm sàng. Nếu không có nghị lực và sự ủng hộ của các nhà khoa học thì chắc chắn sẽ không vượt qua.
CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí cũng làm nên”.
Đó là kim chỉ nam trong suốt cả cuộc đời của TS Trâm. Đối với bà, lời dạy của Bác đã trở thành phương châm sống. Và với TS Trâm niềm tin là điều quyết định cho sự thắng lợi bởi chỉ có niềm tin và lòng đam mê mới tạo nên sự thành công. Những yếu tố dẫn đến thành công là sự hòa thuận trong gia đình, bà cũng luôn nhớ tới những lời dạy của ông cha: “ Thuận vợ thuận chồng biển đông tát cạn, thuận bè thuận bạn tát cạn biển đông”
LỜI KẾT
Năm tháng trôi qua, thời gian đã điểm sương dần trên mái tóc, nhưng TS Trâm vẫn miệt mài với những công trình nghiên cứu khoa học của mình. Bà nói: “Đam mê thì nhiều nhưng tuổi tác và sức khỏe không cho phép”. Nhưng bà vẫn cố gắng, vẫn tiếp tục tìm tòi. Xem việc nghiên cứu cũng là sự học, bà rất tâm đắc với lời dạy của Lê Nin: “Học, học nữa, học mãi” và xem nó như là phương châm sống.
Dù đã bước sang tuổi lục tuần, nhưng niềm đam mê cống hiến cho sức khỏe cộng đồng người Việt, cho khoa học không bao giờ dịu tắt trong bà. Với niềm tin mạnh mẽ vào sự linh diệu của cây cỏ Việt Nam, TS Trâm vẫn không ngừng tìm hiểu về những khả năng diệu kỳ của chúng. “Khi không còn sức nữa, cũng chỉ mong đặt nền móng và bàn giao cho các nhà khoa học trẻ tiếp nối”. Bà chỉ mong người Việt sẽ được khỏi bệnh từ chính những vị thuốc được bào chế từ thảo mộc Việt Nam.