Với Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm-Giám đốc Công ty TNHH Thiên Dược, thời gian 15 năm nghiên cứu cây trinh nữ hoàng cung (TNHC) chẳng là gì so với những lợi ích mà loại cây cỏ hoang dại này mang đến cho người dân Việt.
Thưa bà, tên tuổi của bà đã gắn liền với loại thảo dược dân gian trinh nữ hoàng cung (TNHC), vậy xin cho biết mối lương duyên nào đã dẫn dắt bà đến với loại dược thảo này?
Từ năm 1990, khi còn là cộng tác viên khoa học của Viện Hàn Lâm khoa học Bulgaria, tôi đã tập trung tìm kiếm cây thuốc quý có chứa các hoạt chất sinh học kích thích miễn dịch, ngăn ngừa sự tạo mạch tế bào ung thư từ kho tàng cây thuốc Việt Nam để tạo ra được những sản phẩm thuốc điều trị bệnh ung bướu. Đây là căn bệnh mà các nhà khoa học trên thế giới đang quan tâm. Công việc này đòi hỏi tôi phải đi khắp đất nước để tìm kiếm và nghiên cứu.
Tại Huế tôi đã nhận được những thông tin từ người dân địa phương về cây trinh nữ hoàng cung. Người dân ở đây thường dùng TNHC sắc lá để uống theo kinh nghiệm của ngự y hoàng cung. Họ gọi đấy là cây tỏi lơi hay có tên khác là trinh nữ hoàng cung
Nếu lấy kết quả của việc nghiên cứu cây TNHC mang ra cân đo đong đếm bằng tiền của, thời gian, sức lực và các thành quả mà nó mang lại cho bản thân bà và cho xã hội thì bà thấy kết quả đó có phải là xứng đáng?
Từ khi tiến hành nghiên cứu cây trinh nữ hoàng cung đến khi tung ra sản phẩm Crila (1990-2005) tôi phải bỏ ra 15 năm. Nếu một người làm nghiên cứu khoa học mà so thiệt hơn thì không bao giờ thành công. Vì vậy tôi không bao giờ tính toán thiệt hơn trong nghiên cứu khoa học. Có lẽ vì không để cho mình vướn bận vào những toan tính vụn vặt đó mà tôi đã tạo nên một dược phẩm có ích, hiệu quả điều trị cao, an toàn và có giá thành phù hợp với thu nhập người Việt Nam. Con số 79,5% bệnh nhân u xơ tử cung, 89,18% bệnh nhân phì đại lành tính tuyến tiền liệt đạt hiệu quả tốt khi dùng viên thuốc Crila chiết xuất từ cây trinh nữ hoàng cung đã là minh chứng thuyết phục cho điều này.
Song song với việc cho ra đời thương hiệu Crila, nhiều dư luận cho rằng việc nghiên cứu của bà cuối cùng chỉ là một hình thức để phục vụ kinh doanh khi nó được bệnh nhân tin dùng, bà nghĩ gì về điều này?
Tôi nghĩ rằng, bất cứ người làm khoa học nào mà cứ phải bận tâm đến ý kiến, bình luận mang tính tiêu cực hay tích cực đều sẽ không đạt được mục tiêu của mình đặt ra. Và không một nhà khoa học nào lại có thể dám khẳng định đề tài nghiên cứu của mình sẽ thành công 100%. Do đó, việc cho rằng nghiên cứu chỉ để phục vụ cho công việc kinh doanh là không đúng vì họ không phải là nhà khoa học.
Khi mới bắt đầu nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung, bà có vấp phải sự phản đối hay chê cười nào từ các đồng nghiệp không ?
Lúc tôi bắt đầu nghiên cứu, đánh giá tác dụng lâm sàng của thuốc, khi đó đội ngũ bác sỹ ở Việt Nam phần lớn vẫn chưa tin được cây thuốc Việt Nam chữa được bệnh ung bướu. Thậm chí lúc đó, một nữ bác sỹ – vốn là lãnh đạo một bệnh viện phụ sản Trung ương đã nói rằng: “Nếu Crila chữa được u xơ tử cung thì quả là thuốc tiên”.
Tôi đã không lấy đấy làm buồn. Vì với tôi, thuốc tiên hay không thì phải dựa vào kết quả thử nghiệm lâm sàng. Lòng tin của tôi là dựa trên các kết quả nghiên cứu đạt được ở Viện Hàn lâm Khoa học Bulgaria và ở trường Đại học Tổng hợp Innsbruck, Áo. Vì vậy mà tôi không hoang mang, dao động trước bất cứ ý kiến nào cho rằng Crila không có tác dụng điều trị bệnh ung bướu. Và cuối cùng, thời gian đã trả lời và thực tế đã kiểm chứng công trình nghiên cứu của tôi thông qua kết quả nghiên cứu lâm sàng trên hàng ngàn bệnh nhân theo quy chế 371 của Bộ Y tế.
Điều khó khăn lớn nhất mà bà phải vượt qua khi cho ra đời những sản phẩm từ cây Trinh nữ hoàng cung?
Khó khăn lớn nhất đó là tài chính. Vì là nhà khoa học nên tôi không có nhiều tài chính cho việc kinh doanh. Nên tôi phải vay mượn anh chị em, họ hàng, bạn bè và ngân hàng để có được tài chính cho việc sản xuất thuốc
Đánh đổi cả mồ hôi và nước mắt để cây TNHC được nhiều người biết đến, có khi nào bà cảm thấy mình đuối sức muốn gục ngã?
Niềm đam mê và niềm tin vào công trình nghiên cứu đã làm tôi vững bước khi gặp khó khăn. Từ nhỏ tôi đã được cha mẹ giáo dục kỹ lưỡng với tấm gương sáng là cha tôi-một nhà khoa học giàu nghị lực và hết lòng đam mê nghiên cứu. Có lẽ vì vậy mà tôi chưa bao giờ cảm thấy nản lòng.
Hình như bà cũng đang có những dự tính thật táo bạo khi đưa những sản phẩm có thành phần từ cây TNHC ra với thế giới. Từ đâu mà bà có ý tưởng đó ?
Tôi có ý tưởng đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế là do tôi hiểu chất lượng sản phẩm do mình tạo ra. Crila được sản xuất từ nguồn dược liệu sạch đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Cũng vì đạt chất lượng thật sự nên dược phẩm Crila đã vào được thị trường Mỹ, vốn là thị trường rất khó tính, cơ quan FDA của Mỹ rất khắt khe. Và nếu Crila đã vào được thị trường Mỹ rồi thì chìa khóa để vào thị trường các nước khác là trong tầm tay.
Việc trồng và phát hiện cây TNHC không đơn giản như thu hái từ môi trường hoang dại. Vậy thì làm thế nào để có thể nuôi trồng và phát triển cây TNHC một cách hiệu quả nhất thưa bà ?
Có rất nhiều cây náng giống với cây trinh nữ hoàng cung về hình thái thực vật. Do đó việc thu hái từ thiên nhiên các cây mọc hoang dại là không an toàn cho người bệnh. Do đó chúng tôi đã tiến hành quy hoạch vùng trồng gần 30ha tại Long Thành – Đồng Nai. Đầu tiên chúng tôi chọn giống dựa vào kết quả nghiên cứu ADN và phân biệt trinh nữ hoàng cung với cây náng khác bằng hình thái thực vật và cả ADN (gen) có như vậy mới đảm bảo là chọn giống đúng. Muốn cây đạt hàm lượng hoạt chất sinh học ổn định thì cần phải được nuôi trồng theo tiêu chí GACP-WHO. Chúng tôi đã xác định được một loại phân bón thích hợp, thời gian thu hái để có nguồn dược liệu sản xuất thuốc Crila. Như vậy nếu mua dược liệu trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc sẽ không đảm bảo chất lượng và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Y học trong nước đã công nhận hiệu quả sử dụng từ cây trinh nữ hoàng cung. Vậy bà có lời khuyên nào dành cho bệnh nhân để giúp họ hiểu rõ hơn về những lợi ích và tác hại từ việc sử dụng cây TNHC?
Ở Việt Nam có 6 cây náng có hình thái thực vật giống cây trinh nữ hoàng cung. Nếu người bệnh uống nhầm một trong sáu cây náng này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe vì trong các cây náng đó có cây có chất gây độc cho gan thận, có bệnh nhân bị ngộ độc do đi hái lá về sắc uống. Do đó người bệnh nên dùng các sản phẩm của các các đơn vị đã có quá trình nghiên cứu và vùng trồng trinh nữ hoàng cung ổn định.
Hiện tại bà còn tiếp tục nghiên cứu về dược thảo nữa không ?
Tôi xác định công việc nghiên cứu dược liệu của tôi là suốt đời. Thời gian tới tôi sẽ cho ra sản phẩm trĩ từ dược thảo Việt Nam có tên là Thiên Hoàng Sa. Tôi coi nó là một trong các hạt cát vàng được đãi từ dược thảo Việt Nam. Lâu nay việc kinh doanh của tôi đã có các cộng sự am hiểu về kinh doanh dược phẩm đảm nhận. Do đó tôi không mất nhiều thời gian cho công việc kinh doanh. Theo tôi người làm khoa học không ngừng nghỉ để tìm ra những điều mới mẻ, bởi vì những ý tưởng mới chỉ có ở những người có lòng đam mê khoa học. Còn đối với tôi niềm đam mê nghiên cứu không bao giờ rời khỏi mình.
Xin cảm ơn bà và chúc bà gặt hái được quả ngọt trong những nghiên cứu mới!