n thế giới có tác dụng đối vớCrila là viên thuốc đầu tiên trêi bệnh u xơ tử cung và là một trong ba viên thuốc điều trị Phì đại lành tính tuyến tiền liệt

Báo chí

Nữ tiến sĩ dành cả đời vì ngành dược thuần Việt

24/06/2020

Dù đã bước qua tuổi 70, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm vẫn mạnh mẽ, dứt khoát bước đi kiểm tra trại dược liệu hơn 22 ha của mình. Với Tiến sĩ Trâm, lao động, nghiên cứu sáng tạo trong y học là niềm đam mê, là lẽ sống,… để làm sao đem đến cho y học nhiều loại thuốc quý.


“Cây thuốc ở nước ta rất phong phú, con cố gắng học hành cho giỏi rồi nghiên cứu tạo ra thuốc từ dược thảo Việt Nam, đừng để người dân của chúng ta phải lệ thuộc dược liệu từ nước ngoài, đó là gợi ý, cũng như định hướng của người cha (GS, TS. Nguyễn Văn Trương, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái, chủ biên Từ điển Bách khoa Việt Nam) đã thôi thúc tôi. Thế rồi, cha luôn truyền đạt cho tôi kinh nghiệm, kiến thức. Từ những câu chuyện kể của cha, đã gieo vào lòng tôi tình yêu với khoa học, trở thành khát vọng mà suốt cuộc đời tôi cứ khát khao vươn tới”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm- Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Dược – bắt đầu câu chuyện khi chia sẻ về cơ duyên gắn bó, rồi dành cả cuộc đời cho ngành dược.

Thấu hiểu lời giáo huấn của cha, khi bước chân vào môi trường đại học, cô sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã đề ra mục tiêu nghiên cứu và sản xuất thuốc từ thảo dược ở Việt Nam, nhưng bước ngoặc chỉ thực sự là quãng thời gian ôn luyện, dự thi nghiên cứu sinh năm 1984 và đạt điểm xuất sắc.

Thời gian làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học kỹ thuật Hóa Sophia, Bun-ga-ri (1986-1990) là quãng thời gian bà say mê nghiên cứu ngày đêm, hiếm khi được ngủ đủ giấc; chế độ sinh hoạt hàng ngày cũng phải chiu chắt để tiết kiệm tiền mua tài liệu nghiên cứu. Năm 1990, bà bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ khi xác định được thành phần và cấu trúc của 45 hợp chất có trong tinh dầu cây thảo quả Việt Nam, Hồi đồng Khoa học quốc gia Bun-ga-ri đánh giá cao và bà được giữ lại Trường Đại học kỹ thuật Hóa Sophia, Bun-ga-ri. Tiến sĩ Trâm nhớ lại “ngày còn ở xứ người, mỗi sớm mai khi mọi người chưa thức dậy thì tôi đã làm việc và đêm nào cũng 12 giờ mới ra khỏi phòng thí nghiệm. Có những đêm khi một ý tưởng xuất hiện, tôi bật dậy khỏi giường và ghi vào sổ ngay vì sợ quên hay kể cả lúc tay nhặt rau, nhưng trong đầu vẫn nghĩ đến vấn đề mình đang nghiên cứu”.

Công việc ổn định, điều kiện cho nghiên cứu khoa học ở xứ người rất thuận lợi, nhưng những lời nhắn nhủ của người cha về trọng trách đối với ngành dược nước nhà đã hối thúc bà trở về quê hương, bắt đầu hành trình nghiên cứu hóa hợp chất thiên nhiên từ các loại cây cỏ để sản xuất thuốc chữa bệnh.

Một lần đến Huế vào dịp nghỉ hè năm 1987, bà nhận được thông tin về một loại thảo dược mà người dân địa phương nơi đây sắc uống theo kinh nghiệm ngự y của hoàng cung. Theo cách gọi của người địa phương, đó là cây tỏi lơi, hay còn được gọi quý phái là “trinh nữ hoàng cung”, khi tìm hiểu thì thông tin về cây thuốc này chỉ lưu truyền trong dân gian, còn tính chất về nó ghi trong sách vở lại rất ít. Nhưng với tiến sĩ Trâm, “đó không phải là khó khăn, mà thử thách lớn nhất tôi gặp phải là việc sàng lọc chọn đúng cây trinh nữ hoàng cung có hoạt chất sinh học điều trị bệnh ung bướu, vì đây là một cây thuốc mọc hoang dại, trong khi có tới 7 mẫu cây tồn tại giống nhau, song chỉ có một mẫu cây mới đúng là trinh nữ hoàng cung có khả năng điều trị khối u, còn những cây tương tự khi sử dụng có thể dẫn đến ngộ độc”. Thời điểm này, bà đang tham gia nhóm nghiên cứu các cây thuốc chữa trị ung bướu tại châu Á tại Bun-ga-ri, nên khi bà mang cây trinh nữ hoàng cung sang Bun-ga-ri nghiên cứu rồi xác định nó có tác dụng trên cả u lành tính và ác tính.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm cho biết: ‘trên thế giới hiện có khoảng hơn 90 loại thuốc điều trị ung thư, trong đó thuốc có nguồn gốc thực vật là 62% đơn cử như một vài loại cây có dược tính đặc thù: dừa cạn, thông đỏ, linh chi, tam thất, tu lình… Thế nhưng, sau nhiều năm nghiên cứu cây trinh nữ hoàng cung, tôi thấy rằng, những chất alkaloid và flavonoid trong cây này có khả năng điều trị ung thư vì chúng có thể kích thích miễn dịch qua việc kích thích tế bào limpho T hoạt động và phát triển. Vì thế, năm 1990 tôi quyết định chính thức bắt đầu hành trình riêng với trinh nữ hoàng cung”. Về nước Tiến sĩ Trâm tiến hành đưa một cây hoang dại trinh nữ hoàng cung về trồng tại ấp Phước Hòa, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, vì nơi đây khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cây sinh trưởng và cho ra hoạt chất như yêu cầu. Tiến sĩ Trâm nhớ lại, khó khăn thì không kể hết, ví dụ như ban đầu chỉ được vỏn vẹn 3 củ giống, rồi phát triển dần, để giờ đây trinh nữ hoàng cung đã phủ đầy trên 22ha, trở thành một loại dược liệu sạch được chăm sóc, thu hoạch theo quy trình bảo đảm hàm lượng hoạt chất ức chế sự phát triển tế bào u và đạt tiêu chuẩn GACP-WHO các nguyên tắc tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đã được Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận là vùng trồng dược liệu đầu tiên ở Việt Nam. Song song đó, tiến sĩ Trâm phải tự tiến hành các nghiên cứu chiết xuất hoạt chất, thử nghiệm lâm sàng theo quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế là thử trên động vật, trên người bệnh, người khỏe mạnh với số lượng tăng dần ở các bệnh viện: Viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Từ Dũ. Khi thu được kết quả tốt, Tiến sĩ Trâm lại bào chế, sản xuất trinh nữ hoàng cung dưới dạng viên nang và dạng trà túi lọc rồi đặt tên là Crila. Cũng trong giai đoạn này, bà công bố 7 công trình trên tạp chí khoa học quốc tế, 4 công trình trên tạp chí trong nước.

Sau hơn 15 năm tận tâm nghiên cứu để đứa con tinh thần “trinh nữ hoàng cung- Crila” chính thức được Bộ Y tế cho phép lưu hành toàn quốc, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng giải pháp hữu ích vào tháng 7-2005. Điều đáng ghi nhận của sản phẩm này là hiệu quả điều trị đạt 89,18% đối với u xơ tuyến tiền liệt, 79,5% đối với u xơ tử cung, phản ứng phụ trong điều trị chỉ ở mức nhẹ và không phải can thiệp.

Hơn 10 năm nay, sản phẩm Crila được nhiều người bệnh tin dùng vì hiệu quả điều trị cao và có giá thành hợp lý. Điều khá ngạc nhiên là mặt hàng này được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đạt doanh số mỗi năm hơn 10 tỷ đồng.

Năm 2006, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm được trao giải thưởng Kovalevskaya năm 2006; năm 2010, bà đạt danh hiệu phụ nữ tiêu biểu ngành y tế giai đoạn 2006-2010; năm 2012 được Chủ tịch nước trao tặng giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ mang tên “Cụm công trình nghiên cứu về cây Trinh nữ hoàng cung Việt Nam Crinum latifolium L.” và nhiều giải thưởng khác.

Dù đạt được những thành tích đáng tự hào, nhưng trong sâu thẳm người phụ nữ ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” ấy vẫn đong đầy tâm tư. Tiến sĩ Trâm băn khoăn, đất nước chúng ta hội đủ mọi điều kiện (trí tuệ, con người, cây giống, khí hậu, thổ nhưỡng…), thế mà nhiều năm qua nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm dược lại nhập dược liệu từ nước ngoài về chế biến. Vấn đề này nhiều chuyên gia y dược cảnh báo đó là những dược liệu không bảo đảm hàm lượng chất, thậm chí còn được gọi là bã y dược, nên chất lượng các sản phẩm khó đạt yêu cầu.

Trong khi đó, trang tại dược liệu hơn 22ha của tiến sĩ Trâm vẫn phải trồng trên diện tích đất thuê lại của Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 tại ấp Phước Hòa, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Với Nghị định số 05/2017/NĐ-CP ngày 19-5-2017 về “chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu”, bà Trâm hy vọng và mong ước sớm có khoảng 100ha đất để phát triển vùng dược liệu …

LÂM QUÂN