n thế giới có tác dụng đối vớCrila là viên thuốc đầu tiên trêi bệnh u xơ tử cung và là một trong ba viên thuốc điều trị Phì đại lành tính tuyến tiền liệt

Báo chí

Tiến Sĩ, Dược Sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm: “Cần có biện pháp mạnh để gìn giữ nguồn dược liệu quý”

11/07/2016

Tại Hội nghị “Phát triển dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia” diễn ra tại Bình Dương (ngày 30-5-2010), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh ba loại cây phải bảo tồn, tập trung phát triển: hoa hồi, sâm ngọc linh và trinh nữ hoàng cung. Dự kiến trong thời gian tới ba sản phẩm thuốc từ những cây này sẽ được chính thức công bố là sản phẩm thuốc quốc gia theo đề xuất, tuyển chọn của Bộ y tế. Ngày 15-6-2010 viên nang Crila sản xuất từ trinh nữ hoàng cung chính thức được đưa vào danh mục thuốc Bảo hiểm y tế. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ-dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm – giám đốc Công ty TNHH Thiên Dược nơi đã nghiên cứu, sản xuất tạo ra sản phẩm Crila.

PV: Tiến sĩ có thể cho biết đôi nét về sản phẩm Crila là một trong 3 sản phẩm thuốc được Bộ Y tế tuyển chọn là sản phẩm thuốc quốc gia?

Tiến sĩ-dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Sản phẩm được tuyển chọn vào danh mục thuốc quốc gia đòi hỏi điều kiện rất khắt khe: thuốc phải có hiệu quả điều trị cao, an toàn với người bệnh và được tạo ra từ công trình nghiên cứu khoa học và có khả năng cạnh tranh cao, có tiềm năng xuất khẩu. Viên nang Crila đã được nghiên cứu trong suốt 20 năm qua, từ khâu chọn giống, thuần hóa và được trồng trên một vùng trồng ổn định, nghiên cứu về thành phần hóa học, nghiên cứu chiết xuất, độc tính, dược lý, bào chế. Crila đã được thử nghiệm lâm sàng theo qui chế 371 của Bộ Y Tế. Nhưng trước khi lưu hành toàn quốc, sản phẩm phải được lưu hành trong bệnh viện một năm với số đăng ký: NC04-H07- 05 để theo dõi về hiệu quả điều trị, tác dụng không mong muốn của Crila. Sau đó ngày 21/07/2005 Cục quản lý Bộ Y Tế mới cho phép Crila được lưu hành toàn quốc với số đăng ký: VNB-3391-05. Hiện nay, Cục Quản lý dược đã cho phép Công ty TNHH Thiên Dược được sản xuất Crila tại nhà máy của công ty đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt), GLP (thực hành kiểm nghiệm thuốc tốt), GSP (thực hành bảo quản thuốc tốt) tại Khu Công Nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với số đăng ký: V1167-H12-10.

Kể từ khi viên thuốc Crila ra đời cho đến nay đã được người bệnh tin dùng vì hiệu quả điều trị cao, giá thành hợp lý phù hợp thu nhập của người lao động. Sản phẩm Crila được sản xuất từ dược thảo an toàn với người bệnh và thực tế trong những năm qua chưa có bệnh nhân nào phản ánh Crila làm ảnh hưởng đến sức khỏe do tác dụng không mong muốn. Sản phẩm Crila đã được người bệnh ở các nước như: Mỹ, Pháp, Canada, Bulgaria…sử dụng có kết quả tốt, họ đã gửi thư cảm ơn đến tác giả của viên nang Crila. Hiện nay, một số công ty dược phẩm của Mỹ, Pháp họ đã có đơn đề nghị đặt hàng sản phẩm Crila.

PV:Tại hội nghị “Phát triển dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia” Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà sản xuất) cùng bắt tay vào cuộc. Ý kiến của bà về đề nghị này?

Ý kiến của Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nói lên sự quan tâm to lớn của nhà nước đến sự phát triển ngành dược liệu Việt Nam đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm quốc gia để tạo nên nguồn thuốc từ dược thảo trong nước góp phần bình ổn giá thuốc, chủ động nguồn thuốc trong nước, phục vụ sức khỏe nhân dân.

Theo ý kiến của riêng tôi việc kết hợp 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà sản xuất là cần thiết để đẩy mạnh sự phát triển dược liệu và tạo ra nhiều sản phẩm thuốc mới trong nước. Bởi vì nhà nước có chủ trương và chính sách để đẩy mạnh sự phát triển dược liệu. Vì muốn có những sản phẩm thuốc từ dược thảo ổn định về hoạt tính sinh học và hiệu quả điều trị cao, phải có sự giúp đỡ và hỗ trợ của nhà nước mới có được những vùng trồng, đất trồng lớn hàng trăm, hàng nghìn hecta và cũng phải có sự hỗ trợ về tài chính lớn của các ngân hàng nhà nước và chỉ khi nhà nước kết hợp với doanh nghiệp, các nhà khoa học và nhà nông mới có thể thúc đẩy sự phát triển dược liệu Việt Nam tạo được nguồn thuốc trong nước. Đối với nhà nông đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia trực tiếp, chăm sóc nuôi trồng và chính những người nông dân là những người thực hiện chăm sóc, thu hái, nuôi trồng cây thuốc. Họ là lực lượng lao động chính để tạo ra nguồn dược liệu. Hơn nữa phải có các nhà khoa học tham gia vào sự nghiệp nghiên cứu và phát triển dược liệu. Bởi vì các nhà khoa học là người nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm mới cho xã hội và những công trình nghiên cứu của họ sẽ chứng minh được bản chất và thúc đẩy sự phát triển. Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu đã tạo ra kết quả và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp để doanh nghiệp thực hiện tạo ra sản phẩm mới, nếu không có doanh nghiệp thực hiện, thì kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ để giữ lại ở ngăn kéo mà không được triển khai và không tạo được sản phẩm cho xã hội. Do đó tôi nghĩ rằng việc kết hợp 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà sản xuất theo Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân là hoàn toàn đúng và cần được thực hiện sớm để cho đất nước phát triển, ngành dược liệu Việt Nam tạo được nhiều viên thuốc mới từ dược liệu góp phần đẩy mạnh sự phát triển ngành dược Việt Nam.

PV: Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã và đang phải nhập khẩu 90% nguyên liệu cho sản xuất tân dược và 85% nguyên liệu sản xuất đông dược. Từ một đất nước xuất khẩu nguồn dược liệu trước đây, nay phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu khá lớn, vì sao?

Khi triển khai hội nghị “Phát triển dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia”, nhà nước đã nhìn nhận được tầm quan trọng của việc phát triển nguồn dược liệu bền vững. Từ một đất nước xuất khẩu nguồn dược liệu trước đây, nay phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu khá lớn là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Theo tác giả Thanh Mai của Báo Nhân dân trong phần phát triển nguồn dược liệu trong nước đã viết: “Sở dĩ, dẫn đến những bất cập nêu trên, do ngành chưa đặt vị trí công tác dược liệu đúng tầm quan trọng. Một bộ phận cán bộ của các ngành , các cấp chưa nhận thức đúng vị trí quan trọng của công tác dược liệu như nuôi trồng, khai thác, lưu thông phân phối, sản xuất thuốc, kiểm nghiệm thành phẩm và nguyên liệu làm thuốc cũng như trong việc nhập khẩu. Ngành cũng chưa làm tốt việc quy hoạch và phân vùng sản xuất thuốc, diện tích dành cho việc trồng cây thuốc còn quá hẹp và phân tán. Tổ chức và quản lý thiếu tập trung chưa thống nhất, sự phân công giữa các ngành chưa hợp lý, sự phân cấp cho địa phương cũng chưa được cụ thể; chưa có chế độ chính sách thỏa đáng cho việc bảo vệ sản xuất, nuối trồng dược liệu cũng như các mặt hàng thuốc đông dược sản xuất trong nước…Đáng chú ý, hiện chúng ta chưa có một tổ chức đủ mạnh để chỉ đạo công tác dược liệu một cách toàn diện và thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tổ chức bộ máy quản lý, chỉ đạo còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, cho nên sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các tổ chức xả hội thiếu chặt chẽ dẫn đến khó khăn trong việc triển khai công tác dược liệu. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng tùy tiện trong công tác, khai thác, thu hái, không có tính bảo vệ, bảo tồn gây nên nguy cơ tuyệt chủng của một số loài dược liệu quý hiếm là rất lớn.

Thương hiệu sản phẩm và thương hiệu nhà sản xuất là yếu tố quan trong trong kinh tế thị trường. Vấn đề bảo hộ Nhà nước về thương hiệu hiện nay chưa được quan tâm từ co sở cho đến ngành dược”.

PV: Được biết bà vừa trở về từ Ấn Độ sau chuyến thăm và làm việc trong chương trình đổi mới và sáng tạo của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam, bà có được kinh nghiệm gì sau chuyến đi này?

Tôi đã được các đồng nghiệp tại các viện nghiên cứu như: Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ, Viện nghiên thuốc Trung ương, Viện cây thuốc và hương liệu trung ương… đón tiếp nhiệt tình. Qua chuyến đi này đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc về đất nước đã tự lực được 70% thuốc sản xuất từ dược thảo điều trị bệnh cho nhân dân và hiện nay Ấn Độ đã có một số lượng thuốc rất lớn xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Từ năm 1951, Ấn Độ đã sớm có một Viện chỉ để tập trung nghiên cứu tạo ra những sản phẩm thuốc mới từ dược thảo trong nước. Các nhà khoa học Ấn Độ rất tiết kiệm và tận dụng những máy móc thiết bị cũ và cải tiến để đáp ứng cho công tác nghiên cứu. Chính vì vậy Ấn Độ đã tạo được những sản phẩm thuốc có giá thành phù hợp với thu nhập của người nghèo trên thế giới.

Các viện có hệ thống tổ chức quản lý chặt chẽ và đặc biệt có bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm đăng ký bản quyền tác giả nên đã bảo vệ được các công trình nghiên cứu và quyền lợi của các nhà khoa học cũng như đất nước họ. Hiện nay số lượng bản quyền tác giả của Ấn Độ đăng ký tại Mỹ chiếm số lượng rất lớn. Việt Nam cần lưu ý và quan tâm đến vấn đề này để bảo vệ quyền tác giả của những sản phẩm tạo ra từ những công trình nghiên cứu khoa học.

Qua chuyến đi này Ấn Độ đã đề nghị chúng tôi hợp tác để nghiên cứu và sản xuất thuốc phòng chống ung thư từ cây trinh nữ hoàng cung của Việt Nam. Tôi mong vấn đề này sớm được thực hiện để căn bệnh nan y này sớm được đẩy lùi.

PV: Thuốc chữa bệnh, nhất là thuốc điều trị cho bệnh nan y Việt Nam hầu như phải phụ thuộc hoàn toàn từ nước ngoài, trong khi mình có nguồn dược liệu khá dồi dào, tại sao chúng ta không chủ động được nguồn dược liệu?

Ấn Độ đã nhận ra được vấn đề tự lực thuốc từ hơn 50 năm qua, hiện nay nước ta có 3.850 loài cây thuốc; 403 loài động vật làm thuốc và gần 50% trong tổng số 11 nghìn loại hải sâm và sinh vật biển có tác dụng làm thuốc. Với nguồn dược liệu phong phú và đa dạng như vậy, lẽ ra sản xuất thuốc đông dược phải phát triển đúng với tiềm năng vốn có của nó. Nhưng, cả nước mới có gần 300 cơ sở sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu và phần lớn hoạt động trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún.

PV: Bà có cảm xúc gì khi “đứa con tinh thần” sau 20 năm thai nghén đã “mẹ tròn con vuông”?

Điều làm cho tôi vui mừng nhất là sản phẩm của tôi và các cộng sự khoa học trong và ngoài nước đã cùng với tôi nghiên cứu đã tạo ra viên thuốc Crila có hiệu quả điều trị cao qua thử nghiệm lâm sàng: u xơ tuyến tiền liệt (u phì đại tuyến tiền liệt) đạt 89,18%, u xơ tử cung đạt 79,5%. Một điều nữa làm cho tôi vui mừng nhất là những bệnh nhân lành bệnh đã viết thư cho tôi và đưa đến cho tôi những thông tin về kết quả điều trị bệnh của họ với viên thuốc Crila. Tuy sản phẩm đã ra đời từ năm 2004 cho đến nay, tôi vẫn theo dõi kết quả điều trị bệnh của Crila trên thị trường trong nước và quốc tế để không ngừng nâng cao chất lượng của sản phẩm, cải tiến công nghệ để giảm giá thành sản phẩm bởi vì hiện nay, giá nguyên phụ liệu tăng 30% nhưng giá Crila không tăng quá 10% . Đó là sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học và cộng sự của tôi và tất cả nhân viên Công ty Thiên Dược, để luôn luôn có một viên thuốc có giá thành phù hợp người lao động nghèo trên thế giới và Việt Nam để người bệnh có thuốc điều trị có hiệu quả cao.

Mục tiêu của tôi trong quá trình nghiên cứu là tìm thuốc mới từ dược liệu Việt Nam cho người bệnh Việt Nam và người bệnh trên toàn thế giới.

Xin cảm ơn và chúc bà thành công.

ĐÔNG HƯỜNG (thực hiện)